ClockThứ Ba, 26/04/2022 07:00

Giúp nông dân làm giàu

TTH - Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân vượt khó thoát nghèo, có nhiều hộ nông dân thu nhập tiền tỷ.

Lộc Bổn phát triển 560 ha rừng trồng gỗ lớn

Rừng trồng gỗ lớn cho thu nhập cao đang được nông dân ở Lộc Bổn mở rộng đầu tư

Gắn với phát triển kinh tế ở địa phương

Năm 2015, ông Hồ Đa Thê, hội viên nông dân ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc đứng ra vận động các hộ nông dân ở địa phương thành lập Chi hội chứng chỉ FSC rừng Hòa Lộc, ban đầu gồm 25 thành viên, với tổng diện tích hơn 189ha. Sau hơn 7 năm, tất cả rừng trồng của các thành viên thuộc chi hội cho khai thác đạt sản lượng gỗ bình quân từ 200-220m3/ha, tỷ lệ gỗ vanh tăng từ 60-70%, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC lên đến 250-300 triệu đồng/ha; cao hơn nhiều so với rừng trồng gỗ nhỏ 5 năm khai thác lợi nhuận chỉ được khoảng 80-90 triệu đồng/ha. Đến nay, chi hội đã mở rộng lên 55 thành viên, với tổng diện tích 540ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Thăm mô hình kinh tế gò đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Ba, thôn Hòa Lộc (xã Lộc Bổn), do các cấp hội nông dân (HND) giúp đỡ, không ai nghĩ rằng trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Sau thời gian làm nghề chăm sóc, khai thác rừng thuê, vợ chồng bà Ba tích lũy được ít vốn, đồng thời được hỗ trợ vốn vay qua kênh HND, vợ chồng bà mua chiếc xe tải cũ chở gỗ thuê cho các chủ rừng. Khi có ít vốn liếng, vợ chồng bà đầu tư mua rừng và tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC. Vài năm sau, thấy nguồn thu nhập từ rừng trồng gỗ lớn khá cao, vợ chồng bà tiếp tục đầu tư thu mua thêm rừng trồng; đầu tiên mua ở các địa bàn lân cận, sau đó mở rộng thu mua đến các huyện Hương Thủy, Phong Điền..., đầu tư thêm xe múc để làm ăn. Đến nay, mỗi năm gia đình bà Ba thu nhập trên cả tỷ đồng, trở thành hộ SXKD giỏi được Trung ương HND khen thưởng.

Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, ông Nguyễn Đức Phú cho rằng, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được các cấp HND ở địa phương hướng bà con vào khai thác phát triển hiệu quả kinh tế vùng gò đồi theo hướng gia trại, trang trại. Đây là một trong các chương trình trọng điểm của xã giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Xây dựng các mô hình sản xuất mới

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi nhanh chóng phát triển sâu rộng, tăng nhanh về quy mô, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên khắp địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi theo chủ trương của TX. Hương Thủy được nông dân xã Thủy Phù chú trọng phát triển với diện tích khá lớn. Phần lớn cây keo được trồng trên toàn bộ diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có của xã với hơn 1.200ha.

Nhiều giống cây trồng mới có hiệu quả cao được nông dân Hương Thủy đưa vào sản xuất như mô hình cây hồ tiêu, bưởi da xanh, ổi không hạt, vú sữa, mãng cầu dai... Trong chăn nuôi, mô hình trang trại, gia trại phát triển dần thay thế mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ở gia đình, nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao đang được phát triển như bò sinh sản, dê sinh sản...

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng hội viên, nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi năm sau cao hơn năm trước. Bình quân, mỗi năm, toàn tỉnh bình chọn được khoảng 36 nghìn hộ nông dân SXKD giỏi các cấp từ Trung ương đến cấp xã, đạt 60,4% hộ đăng ký. Từ trong phong trào, xuất hiện nhiều gương “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Nông dân điển hình tiên tiến”, “Nhà nông sáng tạo”...

Theo Phó Chủ tịch HND tỉnh Trần Văn Lập, phong trào thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh hăng hái hưởng ứng tham gia. Đã có 297.677 lượt hộ đăng ký thi đua SXKD giỏi, chiếm 60,44% tổng số hộ nông dân trong tỉnh. Trong đó, có 140.715 lượt hộ đạt tiêu chí cấp cơ sở, chiếm 78,2 %; có 35.336 lượt hộ đạt tiêu chí cấp huyện chiếm 19,6 %; có 3.509 lượt hộ đạt tiêu chí cấp tỉnh, chiếm 2% và có 364 lượt hộ đạt tiêu chí cấp Trung ương, chiếm 0,2%.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Return to top