Do hạn hán, các hồ thủy lợi chỉ đạt 30-40% dung tích
Thiếu nước, xâm nhập mặn
Tình trạng nắng gay gắt khiến nước mặn xâm nhập đồng ruộng đang gây nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 1.000 ha đối với các địa phương sản xuất nông nghiệp vùng ven đầm phá, ven biển. Với thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở những địa phương này càng khó khăn hơn trong vụ hè thu và nhiều diện tích lúa phải chuyển đổi cơ cấu sang các cây trồng khác.
UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh như xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 550 tỷ đồng; nâng cấp sữa chữa đập ngăn mặn Thảo Long với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng; nâng cấp sữa chữa đập ngăn mặn Cửa Lác để phục vụ nước cho 12 xã của huyện Phong Điền, Quảng Điền khoảng 5.225 ha với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng… Ngoài ra, sớm cho chủ trương nghiên cứu lập dự án xây dựng hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. |
Ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên (Phú Vang) cho biết, theo nhận định tình trạng nước mặn xâm nhập đồng ruộng năm nay đến sớm hơn mọi năm cộng với năng nóng kéo dài đã khiến đất “trũi” phèn, nhiều vùng không sản xuất được hoặc sản xuất cầm chừng. Là xã biển, hàng năm Phú Diên đưa vào sản xuất khoảng gần 200 ha lúa/vụ. Ngoài những diện tích nằm ven Quốc lộ 49B thì hơn 20 ha lúa tại khu vực đê Đông Phá Đông (thôn Kế Sung) gần như không sản xuất gì do tình trạng xâm nhập mặn. Những diện tích này không chuyển đổi cơ cấu cây trồng được do chất đất xấu, người dân sản xuất không thường xuyên.
Các địa phương nạo vét kênh mương phòng chống hạn
Tương tự, tại xã Quảng Công (Quảng Điền) có khoảng 50 ha lúa khu vực ven đầm phá hè thu năm nay người dân vẫn đưa vào sản xuất nhưng theo kiểu “nhờ trời”. Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho rằng, tình trạng xâm nhập mặn đến sớm do hiện tượng biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng dị thường. Nhiều diện tích lúa tại địa phương bị thiệt hại và hàng năm, khu vực lúa ven đầm phá năng suất chỉ đạt 40-45 tạ/ha, nhưng người dân vẫn phải làm vì bỏ hoang đất rất phí. Việc cải tạo đất ở đây không hiệu quả bởi tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ đầu năm đến nay lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với TBNN. Từ tháng 04- 6/2020 phổ biến thấp hơn từ 15- 30%, riêng tháng 4 năm 2020 thấp hơn từ 30- 60%. Từ tháng 7 đến tháng 8/2020 tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Đầu mùa khô đến nay, dòng chảy trên các sông giảm nhanh. Trong các tháng tiếp theo, nguồn nước trên các sông suối tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN. Nguy cơ cao xảy ra trình trạng khô hạn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn vào các cửa sông diễn ra sớm hơn và xâm nhập sâu hơn.
Chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông tin, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 đợt nắng nóng với cường độ nhẹ và thời gian không kéo dài. Nhiệt độ cao nhất ở Nam Đông là 38.9 và Huế 38.3 độ C. Tuy nhiên, trong tháng 5 có 2 đợt kéo dài với cường độ khá gay gắt ( đợt 1 từ ngày 5-12/5 và đợt 2 từ ngày 14/5 đế nay). Dự báo tình hình nắng nóng từ nay đến tháng 8/2020 mỗi tháng ở Thừa Thiên Huế có từ 2 – 3 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Nắng nóng của năm 2020 được nhận định có cường độ cao hơn TBNN nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 39 - 40 độ C.
Hạn hán khiến sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn
Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, ban ngành về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh từ nay đến hết mùa khô 2019 - 2020.
Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2020 theo quy trình vận hành liên hồ liên hồ lưu vực sông Hương đã được Chính phủ phê duyệt và chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết trong trường hợp lưu lượng nước về hồ giảm và nắng nóng; các địa phương thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông, hói vào kênh mương nội đồng bị bồi lấp để chống hạn.
Theo Sở NN&PTNT, vụ hè thu năm 2020, các địa phương có khả năng thiếu nước cần chuyển đổi sang cây trồng khác, bố trí giống ngắn ngày hoặc bỏ hoang tránh gây thiệt hại cho nông dân; nạo vét các ao hồ, kênh rạch vùng cát để lấy nước ngọt cho vùng ruộng ven phá và vùng biển; tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý, cơ cấu giống ngắn ngày và kiểm tra thúc đẩy các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để góp phần hạn chế tình hình thiếu nước; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chuẩn bị tốt các phương án chống hạn. Vận động Nhân dân tham gia làm công tác thủy lợi như bảo vệ công trình đầu mối, tổ chức phát dọn, gia cố kênh mương nội đồng để tích nước, phòng chống khi có hạn xảy ra và các diễn biến xấu của thời tiết.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh khuyến cáo trong giai đoạn hiện nay, các hồ thủy điện và thủy lợi cần tích nước đầy đủ để phục vụ cho vùng hạ du; người dân cần chủ động gieo sớm vụ hè thu, tránh hạn và xâm nhập mặn; hạn chế ra đường vào thời điểm nắng nóng có cường độ gay gắt (từ 11-16 giờ hàng ngày); trong những ngày nắng nóng, chiều tối thường có mưa rào và dông, người dân cũng cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sét, tố lốc và mưa đá. |
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyên