ClockThứ Bảy, 23/05/2020 06:45

Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn biến khốc liệt

TTH - Dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới. Có khoảng hơn 1.000 ha lúa hè thu sẽ thiếu nước và 3.000 ha diện tích lúa phải chuyển đổi sang các cây trồng khác.

Nạo vét, nâng cấp hồ thủy lợi ứng phó khô hạnCăng mình chống hạn

Hạn hán diễn biến khốc liệt tại A Lưới, gây thiếu nước cho sản xuất hè thu

Nguy cơ thiếu nước ngay đầu vụ

Vụ hè thu năm 2020, toàn tỉnh kế hoạch đưa vào gieo cấy gần 26.000 ha lúa, đến thời điểm hiện tại đã xuống giống khoảng 50% diện tích.

Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo (A Lưới) thông tin, khô hạn kéo dài từ đầu năm đến nay đã khiến mực nước tại các ao hồ, đập dâng, sông suối xuống thấp kỷ lục làm nhiều diện tích lúa đông xuân mất trắng. Đối với vụ hè thu năm nay, nắng gay gắt từ đầu vụ khiến nước thiếu hụt nghiêm trọng gây khó khăn cho việc xuống giống vụ hè thu.

Toàn xã có gần 100 ha lúa nước, vụ hè thu năm nay do thiếu nước, xã đã vận động người dân chuyển 10 ha sang trồng các loại cây chịu hạn tốt hơn. Những diện tích còn lại xã đang tích cực vận động người dân đào đắp kênh mương, tích trữ nước phục vụ sản xuất.

Từ đầu mùa khô đến nay, dòng chảy trên các sông giảm nhanh. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15-65% so với TBNN, một số sông thấp hơn 65%. Theo dự báo, các tháng tiếp theo nguồn nước trên các sông suối tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN, có nguy cơ cao xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2020. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn vào các cửa sông diễn ra sớm hơn và xâm nhập sâu hơn.

Tại HTX NN An Xuân (Quảng An, Quảng Điền), hàng năm có từ 40-60 ha mạ bị chết hoặc thiệt hại nặng do tình trạng nhiễm phèn, mặn. Số diện tích này năm nào HTX cũng đưa vào sản xuất theo kiểu “may rủi”, bởi nắng nóng chỉ cần kéo dài sau khi xuống giống là cây lúa chết vì phèn mặn.

Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc HTX NN An Xuân thông tin, toàn HTX vụ hè thu 2020 đưa vào gieo cấy khoảng 250 ha, đến nay đã xuống giống đạt 100% diện tích. Đối với những diện tích đã xuống giống, nguy cơ bị nhiễm phèn mặn cao bởi thời tiết năm nay rất cực đoạn, nếu nắng nóng kéo dài thêm sẽ gây hiện tượng phèn mặn. Tuyến đê bao ven phá Tam Giang được đầu tư khá hoàn chỉnh nhưng qua sử dụng nhiều năm đã xuất hiện hư hỏng cục bộ nên dẫn đến nước mặn ngấm trong đất từ đầu vụ, chỉ cần gặp nắng lên là cây lúa chết.

Diện tích lúa bị chết do xâm nhập mặn, thiếu nước trong thời gian qua gần 100 ha tập trung các vùng phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc các xã Phú Đa, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Gia, Phú Xuân, huyện Phú Vang; xã Quảng An, Quảng Công, huyện Quảng Điền; xã Hải Dương, Hương Phong, TX. Hương Trà và các xã Lộc Trì, Vinh Hưng, huyện Phú Lộc.

Mực nước các hồ hiện tại vẫn đang thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-40%, nguồn nước tưới cho vụ hè thu 2020 có khả năng bị thiếu hụt, khoảng 3.000 ha phải chuyển đổi cây trồng tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang.

Tích cực ứng phó

Nhằm đảm bảo công tác chống hạn hiệu quả, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; nhất là đối với những diện tích đất trồng lúa bị khô hạn, thiếu nước tưới sang cây trồng sử dụng ít nước hơn.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đối với những diện tích bị thiệt hại do hạn hán trong vụ hè thu năm trước như ở Phú Đa (Phú Vang); Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ (Phong Điền); Lộc Điền, Vinh Hưng, Giang Hải, (Phú Lộc); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); Hương Thọ, TX. Hương Trà; A Ngo, Sơn Thủy (A Lưới); Hương Xuân, Hương Hữu (Nam Đông)...

Cần điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cấp nước trong vụ hè thu 2020 ở các địa phương để chủ động xác định ngay từ đầu vụ việc tiếp tục trồng lúa hay có kế hoạch chuyển đổi trồng cây rau màu khác để tránh thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra, đặc biệt là các vùng dễ thiệt hại do hạn hán.

Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông, hói vào kênh mương nội đồng bị bồi lấp để chống hạn cho các diện tích có khả năng bị thiếu nước.

Đối với diện tích bị nhiễm chua phèn hàng năm (đặc biệt là các vùng thấp trũng, tù đọng nước) cần bón vôi trước khi làm đất để thau chua rửa phèn, nhằm hạn chế thiệt hại đầu vụ do lúa chết phải gieo sạ lại.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty TNHH NNMTV QLKT công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế thông tin: Từ đầu vụ, đơn vị đã chủ động đắp các đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dầu bơm nước từ các sông, suối ở vùng miền núi Nam Đông, A Lưới; nâng đỉnh tràn bằng bao tải đất ở hồ Hòa Mỹ để tăng dung tích của hồ; lắp đặt các trạm bơm chuyền ở vùng cao của hệ thống hói 5 xã, 7 xã; khơi thông dòng chảy các cửa vào của các trạm bơm, cống lấy nước. Phối hợp các địa phương quản lý vận hành đóng các đập ngăn mặn Thảo Long, Cửa Lác, cống Quan, cống Truồi, cống Cầu Lông, cống Quán Cửa, cống An Xuân, cống Hà Đồ, cống Mai Dương và các cống trên đê ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước, đảm bảo nguồn nước chống hạn cho cây trồng.

Hỗ trợ gần 90 tỷ đồng chống hạn

UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước chống hạn với kinh phí khoảng 87,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ các địa phương để nâng cấp sửa chữa các công trình nhằm phục vụ chống hạn 50 tỷ đồng; kinh phí nạo vét sông hồ 10 tỷ đồng và chuyển đổi 3.000ha lúa vụ hè thu sang các loại cây trồng khác với kinh phí 6 tỷ đồng...

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành sầu riêng Thái Lan thất thu vì nắng nóng gay gắt

Được mệnh danh là “vua trái cây”, sầu riêng với mùi vị đặc trưng từ lâu đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng và sinh lợi nhất của Thái Lan. Tuy nhiên, một đợt nắng nóng khủng khiếp đang bao trùm Đông Nam Á đã khiến sản lượng sần riêng giảm trong khi chi phí lại tăng vọt, khiến những nông dân trồng sầu riêng và thương nhân ở Thái Lan ngày càng lo ngại khi hiện tượng nóng lên toàn cầu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành này.

Ngành sầu riêng Thái Lan thất thu vì nắng nóng gay gắt
Cháy rừng kỷ lục tấn công Venezuela

Theo dữ liệu vừa công bố ngày 1/4, Venezuela đang phải đối mặt với số vụ cháy rừng kỷ lục khi hạn hán do biến đổi khí hậu tàn phá khu vực rừng nhiệt đới Amazon.

Cháy rừng kỷ lục tấn công Venezuela

TIN MỚI

Return to top