|
Chuyển cá lên bờ |
Khi nguồn lợi hải sản vùng lộng đang dần phục hồi nhưng chưa dồi dào như trước thì hoạt động vươn khơi khai thác là xu thế tất yếu. Điều dễ nhận thấy, trong vài năm gần đây số thuyền vùng bãi ngang khai thác ven bờ giảm mạnh, từ hơn 2.000 chiếc trước đây, nay chỉ còn chưa đầy 1.900 chiếc. Trong khi đó, tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ tăng khá nhanh từ vài trăm chiếc cách đây hơn 5 năm, đến nay có đến 676 chiếc đăng ký đưa vào sử dụng, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên 433 chiếc.
Có tàu công suất lớn là điều kiện, cơ hội cho ngư dân vươn đến các vùng biển khơi, biển xa và bám biển dài ngày khai thác mang lại hiệu quả. Thực tế trong những năm gần đây, sản lượng hải sản khai thác xa bờ đều tăng hằng năm. Theo ngư dân Trần Quốc ở phường Thuận An (TP. Huế), có tàu công suất lớn, ngư dân có thể ngang dọc trên vùng biển mênh mông và bám biển dài ngày “canh me” luồng cá lớn để khai thác.
Ông Trần Quốc cho rằng, lợi thế của tàu công suất lớn thấy rõ nhưng ngư dân vẫn chưa có sự đầu tư đầy đủ, tương xứng trước yêu cầu hiện đại hóa đánh bắt xa bờ. Giữa đại dương mênh mông, ngư trường lớn nếu không có thiết bị hỗ trợ của máy dò cá hiện đại thì sẽ rất khó phát hiện luồng cá. Một thời khi chưa có thiết bị này thì các tàu phải rong ruổi khắp nơi trên vùng biển khơi rộng lớn để dò tìm luồng cá, điều này làm mất thời gian, công sức và hao tốn nhiên liệu rất lớn. Vậy nhưng, hiệu quả khai thác vẫn không cao, thậm chí còn thấp.
Đến thời điểm này, phần lớn các tàu chuyên đánh bắt trên vùng biển khơi, biển xa đều mua sắm, trang bị máy dò cá khá hiện đại. Một trong những loại máy dò cá phổ biến hiện nay là máy dò ngang CH 250, nhiều tàu sử dụng loại máy này đều đạt sản lượng khai thác gấp rưỡi, gấp đôi so với các máy dò khác. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, gần đây ngành thủy sản tiếp tục hỗ trợ ngư dân mua sắm một số loại máy dò cá hiện đại, hiệu quả hơn.
Hệ thống chiếu sáng trong quá trình khai thác hải sản xa bờ là không thể thiếu đối với các tàu đánh bắt xa bờ. Một thời, hầu hết các tàu trên địa bàn tỉnh đều sử dụng hệ thống chiếu sáng chạy bằng máy dầu rất tốn kém nhiên liệu, tốn chi phí đầu tư. Gần đây, hầu hết các tàu công suất lớn đóng mới theo “Nghị định 67” và nhiều tàu chuyển sang đầu tư mua sắm trang bị đèn LED tiết kiệm năng lượng. Thiết bị này tuy chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng quá trình hỗ trợ khai thác giảm chi phí đến 80% và hiệu quả đánh bắt hải sản cao hơn so với hệ thống chiếu sáng chạy bằng máy dầu.
Hầm bảo quản trên tàu cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc bảo quản hải sản sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng từ biển đến bờ. Chừng năm năm gần đây, hầu hết các tàu chủ động mua sắm, trang bị hầm bảo quản hải sản khá hiện đại như hầm bảo quản bằng công nghệ CPF… có thể bảo quản từ một tuần đến 10 ngày. Nhiều tàu công suất lớn, tàu vỏ thép còn đầu tư hầm hiện đại hơn, có thể bảo quản hải sản đến vài tuần kéo dài cả tháng. Nhờ đó, chất lượng hải sản đến khi cập bờ cơ bản đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, tuy có sự đầu tư các trang thiết bị, máy móc hỗ trợ khai thác khá hiện đại nhưng vẫn chưa đáp ứng, tương xứng với yêu cầu đánh bắt xa bờ hiện nay của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Chỉ khi có thiết bị hiện đại mới vươn tầm ngư trường lớn, ở đó mới có các loại hải sản dồi dào, có giá trị kinh tế cao.
Trong khi các chủ tàu trên địa bàn tỉnh mới đầu tư các loại máy dò cá có giá trị vài trăm triệu đồng thì tại Khánh Hòa và một số tỉnh, nhiều ngư dân đã đầu tư máy dò cá hiện đại có giá trị đến vài tỷ đồng. Lâu nay, một số tỉnh được biết đến hiệu quả đánh bắt xa bờ rất cao trên cả nước như Bình Định, Khánh Hòa… nhờ ngư dân đầu tư, sử dụng các loại máy dò cá hiện đại như Koden KDS-6000BB, máy dò chụp MAQ 360 độ, các loại máy dò cá bằng phương pháp siêu âm, máy dò ngang còn gọi là máy Sonar hoặc máy dò quét…
Đây là các loại máy mà ngư dân trên địa bàn tỉnh cần học tập và mạnh dạn đầu tư mua sắm để khai thác đạt hiệu quả cao. Trong điều kiện còn khó khăn về vốn, thông tin thị trường như hiện nay thì ngư dân cần được tuyên truyền, tư vấn, vận động và hỗ trợ vay vốn ưu đãi để có điều kiện mua sắm, áp dụng các loại máy dò cá hiện đại. Đây cũng là điều kiện để ngư dân đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng các nghề khai thác và bám ngư trường khơi xa.
Đánh bắt các loại hải sản có giá trị kinh tế thấp như các loài cá: hố, nục, bạc má, ngừ chù… là cần thiết nhưng ngư dân cần bám ngư trường khơi xa, dài ngày, thăm dò luồng cá, chờ cơ hội để khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế như cá thu, chủa, cờ, cam… Ngành thủy sản cũng cần hỗ trợ thông tin, chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến để ngư dân khôi phục và phát triển nghề câu cá ngừ đại dương đã từng hình thành tại một số địa phương, như Vinh Thanh (Phú Vang)… với 11 chiếc.
|
Tính riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 392 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa và có khoảng 1.439 chuyến khai thác vùng biển xa. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả khai thác biển với sản lượng hơn 41 ngàn tấn, mà còn góp phần củng cố an ninh quốc phòng toàn dân ở vùng biển Hoàng Sa.
|