Đê bao trên đầm phá Tam Giang ở thị trấn Sịa quá “mong manh”
Chưa bền vững
Ông Phan Tý ở xã Quảng Công nan giải, chừng 7-8 năm trở lại, phong trào nuôi tôm sú phát triển đại trà, kèm theo các mô hình nuôi cá, cua phát triển ồ ạt, trong khi hệ thống đê bao, thủy lợi vẫn vậy, không cải thiện, thậm chí xuống cấp do bão, lũ. Nhiều vụ nuôi thủy sản bị thua lỗ triền miên do hệ thống hạ tầng đê bao, thủy lợi không đảm bảo dẫn đến dịch bệnh.
Ông Tý nhìn nhận, đê bao tại nhiều vùng nuôi không kiên cố nên dễ bị sóng đánh gây hư hỏng, không đảm bảo cho NTTS mang tính bền vững. Hằng năm người dân tốn nhiều công sức, tiền của để sửa chữa các công trình. Ao nuôi chằng chịt, không có ao lắng xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi, hay thải ra ngoài môi trường dẫn đến ô nhiễm vùng nuôi. Nguồn nước từ các kênh đưa vào ao nuôi không an toàn do chất thải nông nghiệp là một trong những nguyên nhân tôm nuôi dịch bệnh...
Theo ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, khi phong trào nuôi tôm sú trên đầm phá mới phát triển, những năm đầu hộ nào cũng trúng lớn. Khi đó số hộ nuôi còn ít, số lượng ao hồ chưa dày đặc, trong khi đê bao, thủy lợi cơ bản đáp ứng. Hơn 10 năm trở lại đây, phong trào NTTS phát triển ồ ạt, nhưng hạ tầng không phát triển, thậm chí hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo quy trình nuôi an toàn.
Bờ bao ao hồ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Công tạm bợ
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền - bà Trần Thị Thanh Nhã cho rằng, ngoài yếu tố đã qua sử dụng từ nhiều năm, hệ thống đê bao, kênh mương cấp, thoát nước còn bị bão lũ làm xuống cấp. Nhiều ao hồ bị sóng đánh hư hỏng, người dân không có kinh phí để gia cố, khắc phục buộc phải nuôi theo hình thức chắn sáo không đảm bảo an toàn, nhiều ao hồ bỏ hoang.
Giao thông nội vùng tại các khu nuôi chật hẹp, manh mún nên khó khăn khi vận chuyển thức ăn, giống, xử lý dịch bệnh và vận chuyển sản phẩm. Hệ thống xử lý cấp nước, thoát nước còn thiếu, thậm chí có nơi chưa có, chưa được đầu tư đúng mức theo quy mô diện tích nuôi và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Điện lưới phục vụ quá trình NTTS chưa được đầu tư, chủ yếu sử dụng từ nguồn điện dân sinh không ổn định và mất an toàn.
Hệ thống kênh thải của các vùng trung triều, hạ triều thiếu đồng bộ, việc lấy nguồn nước cấp vào ao nuôi khó khăn, không đảm bảo an toàn. Hầu hết các ao nuôi đều không có ao lắng xử lý nước thải, các hộ đều thải trực tiếp ra môi trường là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên thủy sản.
Cần 220 tỷ đồng
Ông Trần Văn Chương ở xã Quảng Công nhận thấy, thực tế vùng nào hạ tầng đê bao, thủy lợi đảm bảo thì tình trạng ô nhiễm môi trường rất hạn chế, thủy sản ít dịch bệnh. Tại khu NTTS ở thôn 4 được huyện, xã đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao cơ bản ổn định, ao nuôi được quy hoạch và có các ao lắng xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi nên những năm gần đây tôm và các đối tượng nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh, nhiều hộ có lãi.
Trong điều kiện nguồn vốn khó khăn như hiện nay, huyện Quảng Điền đang tập trung huy động nguồn lực chủ yếu từ Nhân dân. Các công trình sẽ được xây dựng từng bước, theo hướng ưu tiên bố trí xây dựng những công trình cấp thiết… Với những công trình lớn cần sự phân bổ kịp thời từ nguồn ngân sách Nhà nước để xây dựng, đảm bảo tiến độ, phục vụ sản xuất hiệu quả.
|
Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Lê Duận thông tin, sau khi lắng nghe kiến nghị, đề xuất của người dân và chính quyền địa phương, UBND Quảng Điền đã quy hoạch chi tiết NTTS tại xã Quảng Công đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với diện tích quy hoạch là 220 ha, tăng 46,7 ha so với hiện trạng. Các hồ nuôi dọc đê đông phá Tam Giang được điều chỉnh đảm bảo hành lang bảo vệ đê điều; bố trí mặt bằng xây dựng một trại giống thủy sản tại chân độn cát ven QL49B, gần khu nuôi tôm cao triều.
UBND huyện Quảng Điền đã quy hoạch hệ thống kênh cấp nước riêng biệt có cống đóng mở tại vị trí cửa vào. Kênh cấp nước được bố trí đến tận các ao chứa lắng, các hồ nuôi. Riêng quy hoạch cấp nước ngọt, chủ yếu cấp cho vùng nuôi cao triều, nguồn nước được lấy từ các bàu cát cạnh QL49B bằng các trạm bơm mini. Đối với kênh thoát nước thải được bố trí đến tận các ao xử lý, hệ thống kênh thoát nước thải, đồng thời thoát nước tiêu úng cho nông nghiệp...
Tại xã Quảng Phước và thị trấn Sịa cũng đã được huyện Quảng Điền quy hoạch chi tiết, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở sản xuất, ương giống… đảm bảo mục tiêu phát triển NTTS bền vững. Theo bà Trần Thị Thanh Nhã, khó khăn lớn đối với huyện Quảng Điền là huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, do tình hình cắt giảm đầu tư công, người dân còn khó khăn... Theo quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng NTTS tại các địa phương, cần nguồn vốn hơn 220 tỷ đồng.
Bài, ảnh: H. TRIỀU - C. PHI