Một đồng ruộng bỏ hoang ở Quảng Điền
Khó khăn chồng chất khó khăn
Nông dân Lê Tiến Dũng ở Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Bắc Sơn (Phú Lộc) trao đổi, năm 2021, giá phân bón dao động mỗi tạ 800-900 ngàn đồng được xem là quá cao từ trước đến nay, trồng lúa khó có lãi. Nỗi lo không dừng lại khi giá phân bón tiếp tục “giáng đòn mạnh hơn” trong vụ đông xuân 2021-2022 và đến vụ hè thu này thì mỗi tạ có giá đến 1,8 triệu đồng. Giá này tăng hơn gấp đôi so với năm trước, khiến nông dân thật sự “đắng lòng”.
Nhiều nông dân còn thêm nỗi lo với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trận lũ trái mùa và giông lốc trong vụ đông xuân vừa qua khiến nhiều xứ đồng thiệt hại nặng, một số nơi mất trắng. Sản lượng lúa có nơi giảm chỉ còn 1/3, hoặc một nửa so với các vụ trước. Chất lượng lúa cũng giảm nhiều vì mưa lũ, thu hoạch non nên giá thấp, chẳng hạn như lúa Xi, KH1… năm trước có giá trên 7.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 6.200 đồng/kg, thậm chí bán không ai mua.
Phó Giám đốc HTXNN Bắc Sơn, ông Nguyễn Chí lo lắng trước thực trạng nhiều diện tích lúa bỏ hoang trong vụ hè thu này. Xứ đồng Ô Đầm của HTXNN Bắc Sơn có 136ha thì có đến 80ha bỏ hoang. Đây là lần đầu tiên tại HTX có nhiều diện tích lúa không canh tác. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng đợt mưa lũ trái mùa, bất thường trong vụ đông xuân, lúa bị thu hoạch muộn dẫn đến trễ vụ hè thu, còn do chi phí vật tư, phân bón tăng cao nên sau khi tính toán có khả năng thua lỗ, nhiều hộ quyết định bỏ hoang đồng ruộng.
Nhiều xứ đồng của HTXNN Nam Sơn (Phú Lộc) cũng có đến 37ha lúa bị bỏ hoang vì những nguyên nhân tương tự. Theo ông Nguyễn Hữu Thoan, Giám đốc HTXNN Nam Sơn, nếu tính từ khi thu hoạch xong vụ hè thu này (đầu tháng 9 năm nay) đến hết vụ đông xuân tới (2022-2023) kéo dài 8-9 tháng, nếu vụ này không sản xuất thì nhiều hộ có nguy cơ thiếu lương thực. Vậy nên ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân 2021-2022, ban giám đốc HTX lường trước sự việc, đến tận từng hộ gia đình động viên, vận động Nhân dân gieo cấy vụ hè thu.
Tại nhiều HTXNN: Vinh Thái, Vinh Hà (Phú Vang), Bắc Vinh (Quảng Điền)... cũng có nhiều diện tích ruộng bỏ hoang. Theo kế hoạch vụ hè thu 2022, toàn tỉnh sản xuất hơn 25.700ha; tuy nhiên chỉ gieo cấy hơn 24.600ha, còn khoảng 1.000ha bỏ hoang (tập trung ở Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền…) và hơn 70ha được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm, thủy sản được xem là trụ đỡ, đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh bị giảm sâu, tăng trưởng âm -7,49% (mức tăng cùng kỳ năm trước là 4,66%). Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do năng suất lúa vụ đông xuân 2021 – 2022 bình quân chỉ đạt 45,6 tạ/ha, giảm 31% so với cùng kỳ và thấp nhất từ trước đến nay. Thêm vào đó, vụ hè thu này bị bỏ hoang khoảng 1.000ha lúa, đang đặt ra nhiều thách thức nếu tình trạng bỏ ruộng hoang tiếp tục kéo dài.
Cần tổ chức lại sản xuất hợp lý
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Long An cho rằng, tình trạng bỏ ruộng hoang có thể gây ra nhiều hệ lụy, như tạo môi trường thuận lợi cho sâu bệnh hình thành và phát triển; tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở khu vực nông thôn. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tổ chức sản xuất vụ hè thu một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo lúa sinh trưởng tốt, hạn chế tối đa sâu bệnh gây hại, thu hoạch đúng khung lịch thời vụ, trước mùa bão lũ.
Sau khi kết thúc vụ hè thu, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương sớm xây dựng phương án, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân đảm bảo cơ cấu mùa vụ trước yêu cầu ứng phó BĐKH. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư, hộ dân quyết tâm không bỏ ruộng hoang. Áp dụng mô hình sản xuất lúa “ba giảm, ba tăng” nhằm hạn chế chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được ngành nông nghiệp triển khai sâu rộng, hướng dẫn nông dân một cách bài bản, hiệu quả.
Để từng bước loại bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các địa phương, HTX hướng đến các biện pháp tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất lúa cánh đồng lớn nhằm thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày và chất lượng cao vừa thích ứng BĐKH, vừa tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, người tiêu dùng ngày càng khắt khe và hướng đến xuất khẩu. Vừa qua, một số công ty, HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã sản xuất thành công mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, như gạo ngon Thủy Thanh, gạo chất lượng Phú Hồ, gạo hữu cơ An Lỗ, gạo hữu cơ Quế Lâm, gạo Thiên Phú, gạo Vua Ngự…
Ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai, từng bước nhân rộng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hiện nay hơn 5.100ha lúa, rau các loại và 500ha lúa, rau màu hữu cơ. Tuy nhiên, do mới bước đầu triển khai nên diện tích lúa theo mô hình này còn ít so với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Để sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh có chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, như chính sách khuyến khích cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030. Theo đó, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trước hết là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sau đó các loại rau, hoa, cây ăn quả và cây dược liệu.
Theo ông Nguyễn Long An, để nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững, cần thiết phải đổi mới cơ chế chính sách, trọng tâm là chính sách đất đai, tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý; nhất là phải thu hút nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp để dẫn dắt khâu sản xuất, định hướng thị trường, tạo động lực phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, nhất là công nghệ tiên tiến và công nghệ cao làm khâu đột phá, then chốt trong nông nghiệp nói chung và lúa nói riêng.
Bài, ảnh: Hoàng Triều