ClockThứ Hai, 01/01/2024 11:10

“Làm đường mới, nới đường cũ”

TTH - Lâu nay, một dấu ấn ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã cho nhiều người thán phục cách giữ gìn ngôi làng cổ Phước Tích hơn 500 năm tuổi nằm bên dòng Ô Lâu, thì giờ đây lại tạo thêm kỳ tích mới về cách làm đường giao thông ở địa phương. Đó là chiến dịch “làm đường mới, nới đường cũ” đã trở thành một phong trào sôi nổi đáng ngẫm, đáng nghĩ mà học tập.

Người dân Phong Hòa đề xuất nhiều vấn đề về việc làm và hạ tầng nông thôn

Hết cảnh đường thôn, xóm lầy lội, xuống cấp nhờ chiến dịch tạo dấu ấn mới ở xã Phong Hòa 

Những con đường “khoác áo mới”

Ghé thăm thôn Tư (xã Phong Hòa) một sáng chớm thu mát mẻ, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông thoáng rộng, nhất là tuyến đường điểm râm bóng hoa thật đẹp và yên bình. Từ những lời giới thiệu đến cái bắt tay với bác Bí thư Chi bộ thôn Tư - Nguyễn Khoa Mây, tôi nghe thoang thoảng phía sau có lời bộc bạch Phong Hòa vừa được “định danh” lên phường thì rồi đây vùng quê này sẽ ngập tràn hơi thở phố thị.

Dẫn chúng tôi tham quan quanh làng, bác Đoàn Văn Đính, Trưởng thôn Tư nhẹ nhàng: “Quê tui khi nắng là đi xe, mưa đi ghe. Nhưng đó là chuyện của mấy năm về trước, còn nay đường sá nơi đây đã lột xác hoàn toàn”.

Thôn Tư nằm bên dòng Ô Lâu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp kết hợp dịch vụ làng nghề. Từ năm 2015, khi xã có chủ trương làm đường dựa vào sức dân, Ban Cán sự thôn họp bàn, khơi thông tư tưởng với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Từ đó thôn truyền đạt ý tưởng đến người dân và thống nhất phương án cũng như kinh phí. Ban đầu có những hộ băn khoăn nhưng không phải vì thấy khó mà lui, chi ủy, ban chỉ huy thôn đã phối hợp với ban công tác Mặt trận đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân rõ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm… và dân thụ hưởng”.

Đường bê tông dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ ở xã Phong Hòa 

Lại nhẹ nhàng, bác Đính cho rằng, tầm 10 năm trở lại đây, thôn Tư đã huy động gần chục tỷ đồng để làm đường thôn, xóm. Trong đó, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, lùi vào để đường xóm đi qua rộng rãi, cao ráo hơn mà không ai nghĩ đến chuyện đền bù.

 Bà Lê Thị Giá, một trong những hộ hiến đất ở đây chia sẻ: “Dù biết tấc đất, tấc vàng nhưng có đường mới, đường rộng thì đẹp xóm, đẹp làng và nhà mình cũng đẹp nên chẳng tính chuyện hơn thiệt”.

Mới đây, thôn Tư mạnh dạn đăng ký với xã hưởng cơ chế đặc thù mở tuyến qua trung tâm dài hơn 700m, rộng 7,5m, có lề và bồn hoa hai bên. Lúc phác thảo ai cũng lo vì kinh phí lên gần 4 tỷ đồng (kể cả phần hỗ trợ của xi măng, cát sạt của huyện và xã). Thế là Ban vận động thôn phải qua nhiều cuộc họp, rà soát cuối cùng thống nhất thu 600.000 đồng/khẩu (trong thôn có gần 130 hộ với hơn 500 khẩu). Dù tuyến này mới hoàn tất 50% nhưng sáng sớm hay chiều muộn luôn có người dạo chơi, chuyện trò vui vẻ.

Cạnh thôn Tư là thôn Cang Tư Nam nằm cạnh làng cổ Phước Tích đã mạnh dạn theo phong trào “làm đường mới, nới đường cũ” từ nhiều năm nay. Đến thời điểm này, Cang Tư Nam có 100% đường thôn, ngõ xóm được bê tông hóa.

Ông Bùi Quang Nghị, Trưởng thôn này chia sẻ, bà con nơi đây đa phần nghèo nhưng khi nghe nâng cấp, mở rộng đường giao thông đều hưởng ứng. Vừa rồi trong thôn mở thêm tuyến đường dài hơn 850m, mặt rộng 5m chưa tính lề. Khi triển khai gần 50 hộ bị ảnh hưởng đất, nhà cửa, tường rào, cây cối... với diện tích bị thu hồi gần 1.000m2 nhưng 100% vẫn vui vẻ không nhận tiền đền bù. Không những thế bà con còn đóng thêm kinh phí mỗi hộ 2,5 triệu đồng thuê nhân công, máy móc để tuyến đường hoàn thiện.

 Chia sẻ về bí quyết “dân vận khéo”, ông Bùi Quang Nghị có thâm niên hơn 20 năm làm công tác “thổi tù và hàng tổng” nói: Chẳng có bí quyết gì lớn ngoài việc “lấy dân làm gốc” và sự tiên phong của cán bộ, đảng viên từ việc nhỏ đến việc lớn.

Đồng thuận ý Đảng, lòng dân

Xác định mở rộng đường giao thông là mũi đột phá để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2011 và Chiến dịch “làm đường mới, nới đường cũ” ở Phong Hòa ra đời từ đó. Khi cán đích xã NTM vào năm 2019, Phong Hòa đã đi trước một bước xác định các tiêu chí để lên phường và chiến dịch trên hiện nay lại phát huy.

Trao đổi việc triển khai chiến dịch, anh Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa chia sẻ, địa bàn Phong Hòa là vùng trũng lại nằm bên dòng Ô Lâu nên hễ mưa là ngập. Do đó đường sá nơi đây nhanh xuống cấp, hư hỏng đã trở thành điểm nghẽn trong “bản đồ” giao thông “mưa hay đi ghe” ở khu vực phía bắc tỉnh nhà. Mấy năm trước mỗi lần bàn đến đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng xã NTM cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương đều “lè lưỡi”. Bởi vậy khi nghe huyện, tỉnh cho cơ chế đặc thù làm đường, ở Phong Hòa từ cán bộ to đến nhỏ đồng lòng không để mất cơ hội.

Nhớ lại thời điểm ấy Chủ tịch UBND xã Phong Hòa nói: “Nghe trên cho cơ chế làm đường, người dân từ già đến trẻ ở Phong Hòa như đón thêm được niềm tin, có bứt phá mới về kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Từ sự kiện đó, nhiều cuộc họp từ Đảng bộ, chính quyền cùng với Ban thành viên các thôn; rồi từ thôn đến từng hộ dân để thống nhất chủ trương. Cái hay đã trở thành nếp ở Phong Hòa khi triển khai mỗi một tuyến đường, Đảng ủy, chính quyền địa phương thành lập các tổ, nhóm, hàng tuần kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, phân công về các thôn để bàn bạc, xem xét nếu gặp khó khăn là cùng tháo gỡ để những tuyến đường hình thành theo ý Đảng, lòng dân.

Xuyên suốt quan điểm, tinh thần ấy, từ năm 2016 đến nay, Phong Hòa đã nâng cấp, xây dựng được gần 30km đường giao thông các loại, trong đó hơn 3 năm gần đây, Phong Hòa có 8km đường liên thôn xóm rộng rãi, chất lượng, đạt hơn 96% đường sá đi lại trong xã được bê tông hóa.

Bên cạnh những tuyến bê tông thôn xóm ra đời theo cơ chế đặc thù, hiện nay Phong Hòa triển khai 3 tuyến đường liên thôn kiểu mẫu, gồm tuyến từ QL49 - thôn Niêm dài 2,7km, kinh phí 13,5 tỷ đồng; tuyến thôn Trung Cỏ Mè dài 1,2km, kinh phí 3 tỷ đồng; tuyến thôn Ba Bàu Chợ - thôn Niêm dài 3km, kinh phí 8 tỷ đồng. Tất cả các tuyến này có chiều rộng trên 7m và do người dân chủ động GPMB. Tại thời điểm này đã có 2 tuyến cơ bản hoàn thiện nhưng chưa nghe những “lời ong tiếng ve” từ cơ sở dù số lượng hiến đất, nhà cửa, cây cối lên hàng chục tỷ đồng.

Nhiều người lại đùa nhưng rất thật, với Chiến dịch “làm đường mới, nới đường cũ”, lại thêm một nhịp mới tạo đà cho xã Phong Hòa lên phường trong năm 2024.

Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức trẻ ở Trạch Phổ

Bằng các phong trào, hoạt động khác nhau, Chi đoàn thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã khẳng định được sức trẻ của mình ở một vùng quê thuộc vùng thấp trũng.

Sức trẻ ở Trạch Phổ
Return to top