Nông dân Quảng Phú gặp khó khăn khi mía bị ứ đọng
“Đứng đồng”
Mọi năm, cứ đến tháng Giêng âm lịch, những ruộng mía ở các địa phương tại huyện Quảng Điền nhộn nhịp thu hoạch, dù giá rẻ hay đắt, thương lái cũng đến tận nơi thu mua. Nhưng năm nay, nông dân chỉ biết chặt mía bán lẻ bên vệ đường.
Cùng thời gian này năm ngoái, ông Đoàn Phưng (thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) bắt đầu xuống giống mía. Sau khoảng hơn 10 tháng, 3 sào mía đến tuổi thu hoạch. Với gia đình ông Phưng, nếu thuận trời, đúng niên vụ, sản lượng 3 sào mía cho thu nhập khoảng 45 triệu đồng. “Mía là cây trồng truyền thống tại địa phương từ bao đời nay. Dù thời tiết có khắc nghiệt thì nông dân vẫn gắn bó với giống mía Cẩm Tân. Nông dân thường lấy công làm lãi nên so với các cây trồng cạn khác, thu nhập từ mía vẫn tương đối khá”, ông Phưng chia sẻ.
Thông thường, đến thời điểm thu hoạch, thương lái sẽ đến ruộng mía của ông Phưng thu mua nhưng gần hai tháng nay, 3 sào mía của ông không thương lái nào ghé thăm. Ông chặt mía bán lẻ bên đường với giá 10.000 đồng/cây. “Kinh phí để trồng 3 sào mía khoảng 15 triệu đồng, bây giờ không ai mua nên phải bán lẻ được chừng mô hay chừng đó. Dù ngày mô vợ chồng tôi cũng dựng lán trại để bán nhưng số lượng bán được không đáng là bao”, ông Phưng buồn bã.
May mắn hơn ông Phưng, 5 sào mía của bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Hạ Lang) sau hơn một tháng ròng rã “đứng yên”, nay cũng được thương lái ghé thăm. Song, bà Hoa cũng chỉ bán được gần một nửa trong số đó với giá chưa đến 10 triệu đồng/sào. “Số lượng mía chưa bán được còn lại rất nhiều. Nếu tiếp tục không bán được thì tỉ lệ hao hụt sẽ rất cao bởi mía đã già, chất lượng không đảm bảo, thương lái ép giá, thậm chí không thu mua. Đến lúc này, vụ mía năm nay coi như thất bát”, bà Hoa nói.
Mía “đứng đồng”, nông dân gặp trăm thứ khó. Hiện, ngoài việc sợ chất lượng mía giảm sút khi loại cây này dự báo sẽ quá lứa thu hoạch thì nông dân còn đứng ngồi không yên bởi chuột đang sinh sôi, tàn phá đồng ruộng. Nhiều diện tích bị chuột cắn phá, nông dân chỉ còn cách chặt bỏ và đốt. Trong khi đó, những thương lái cũng đang bí đầu ra. Bà Nguyễn Thị Nhung đã hơn 10 năm thu mua mía xuất đi các tỉnh thành lân cận cho hay: “Hiện tôi đang tồn kho hơn 10 tấn mía. Bây giờ dù giá rẻ nhưng tôi cũng không dám thu mua. Thị trường tiêu thụ gặp khó khăn bởi khâu vận chuyển bị thắt chặt. Nhiều mối hàng thân quen từ chối nhập hàng. Không chỉ tại Thừa Thiên Huế, ở nhiều tỉnh, thành khác thị trường tiêu thụ bó hẹp, mía cũng đang bị tồn đọng”.
Người dân chỉ biết bán lẻ bên đường
Qua thời hoàng kim
Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 75 ha mía được trồng chủ yếu ở các địa phương như, Quảng Phú (Quảng Điền), Phong Hiền (Phong Điền), Khe Tre, Hương Phú (Nam Đông). Mặc dù là cây trồng truyền thống của nhiều nông dân với giống mía đỏ, Cẩm Tân nhưng những năm qua, người trồng mía liên tục gặp khó khăn.
Theo các cơ quan chuyên môn, với đặc tính chỉ để giải khát chứ không phải sản xuất đường nên mía của người dân chủ yếu bán lẻ, thông qua kênh phân phối là thương lái. Và hiện, hầu như không có một đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân. Do vậy, mía rớt giá là điều dễ hiểu.
Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết, địa phương chỉ ổn định diện tích mía khoảng 20 ha chứ không có chủ trương mở rộng loại cây trồng này. “Không có thị trường tiêu thụ ổn định, đầu ra chỉ là bán lẻ ở các chợ nên ở một số thời điểm mía của nông dân khó tiêu thụ”, ông Thành nói.
Một thời, tại Quảng Điền, cây mía mang lại thu nhập cao cho nông dân. Khi giá đạt đỉnh nông dân thu về đến 300 triệu đồng/ha. Song, nhiều năm trở lại đây, loại cây trồng này dần trở thành “kép phụ”. Xã Quảng Phú từng là vùng chuyên canh cây mía có diện tích hơn 60 ha, qua từng năm diện tích liên tục giảm sút, nay chỉ còn 26ha. Để giải quyết khó khăn chính quyền địa phương khuyến khích nông dân trồng mía trái vụ, và đã thí điểm khoảng 1,5ha. Vậy nhưng, giải pháp này vẫn không tỏ ra hiệu quả. Bây giờ, nhiều nông dân đang tính đường đứt đoạn với cây mía, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
“Vào dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sức tiêu thụ mía khá cao. Tuy nhiên, từ sau tết đến nay, mía của nông dân hầu như không bán được. Trước những khó khăn mà người trồng mía trải qua sau nhiều năm, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước mắt, người dân đang chủ động trồng xen canh mía với các loại cây trồng khác như, ngô, sắn, lạc để bổ trợ cho nhau”, ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết.
Bài, ảnh: L.Thọ