|
|
Mô hình lúa "ba giảm, ba tăng" ở Hương Vinh |
Áp dụng các biện pháp canh tác “ba giảm, ba tăng” (trong đó có IPM) không còn mới đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng mô hình chưa được các địa phương, nông dân nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục tuyên truyền đến với nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai mô hình này trong các vụ lúa gần đây. Riêng vụ đông xuân 2022-2023, trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh triển khai mô hình để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn phường và các vùng lân cận trong các vụ tới.
Nông dân Lê Tuấn ở Hương Vinh chia sẻ, mô hình trồng lúa “ba giảm, ba tăng” tuy mới đối với người dân trên địa bàn phường, nhưng vẫn dễ canh tác và nhiều lợi ích so với phương thức truyền thống. Điều ông Tuấn tâm đắc là mô hình không chỉ mang lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, mà còn giảm chi phí đầu tư, do giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm bơm thuốc trừ sâu...
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin, vụ đông xuân 2022 – 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh được Trung tâm Khuyến nông bố trí thực hiện mô hình “ba giảm, ba tăng” với quy mô 7 ha, sử dụng giống lúa chất lượng cao JO2. Nông dân được hỗ trợ 50% lúa giống, vật tư (phân bón và thuốc bảo vệ thực vật), được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện mô hình.
Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ khuyến nông chuyển giao đến nông dân kỹ thuật sản xuất mô hình lúa “ba giảm, ba tăng”, như sạ thưa, bón phân cân đối, tưới ngập khô xen kẽ, áp dụng quản lý dịch hại IPM trên đồng ruộng nhằm giảm chi phí đầu tư. Với những kỹ thuật được chuyển giao, nông dân đã nắm bắt và áp dụng vào sản xuất một cách đồng bộ và đạt kết quả khả quan, giúp giảm được chi phí và tăng lợi nhuận.
Qua kết quả đánh giá cho thấy, ruộng mô hình gieo sạ 80kg lúa giống/ha, giảm 20kg so với tập quán gieo sạ cũ, ruộng lúa thông thoáng, cây không bị che khuất, quang hợp và phát triển tốt hơn. Sử dụng phân đạm căn cứ vào màu sắc của lá và tình trạng sinh trưởng của cây, đảm bảo sự cân đối NPK đã giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại so với ruộng đối chứng.
Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, người dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh đúng kỹ thuật, đúng thời điểm. Vụ đông xuân 2022-2023, thời tiết thuận lợi để bệnh đạo ôn lá phát triển mạnh, đặc biệt nhiễm nặng đối với giống JO2. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để chăm sóc cây trồng và quản lý dịch hại tốt, giúp nông dân giảm được 2-3 lần phun thuốc so với ngoài mô hình, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.
Năng suất lúa mô hình “ba giảm, ba tăng” tại Hương Vinh ước đạt 74 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 2 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 40 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 3,5 triệu đồng/ha.