ClockThứ Hai, 14/12/2020 13:07

Một giờ sáng đã dậy chăm hoa...

TTH - Cứ 1 giờ sáng là ông Nguyễn Văn Duẩn (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) đã có mặt tại ruộng hoa, thắp điện, cặm cụi chăm sóc, để hoa kịp nở vụ tết…

Khôi phục hoa màu cho mùa vụ mớiNgăn chặn hàng lậu xâm nhập thị trường dịp tếtGiữ cửa, ổn định thị trường cuối năm

Đã 18 giờ chiều, nhưng ông Duẩn vẫn còn ở ruộng hoa

Hộ ông Nguyễn Văn Duẩn là một trong những hộ thiệt hại nặng do bão, lũ. Vụ hoa cúc đã hé nụ, đơm bông dự tính thu hoạch trong những tháng cuối năm bị bão, lũ “cướp” sạch, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, nhà bảo vệ để trồng hoa dạ yến thảo tan hoang, dãy nhà tre trồng hoa đồng tiền, cúc các loại sập hết, thiệt hại thêm gần 40 triệu đồng.

Ngay sau khi dứt bão, lũ, đất khô, ông Duẩn “lao vào” khôi phục sản xuất. Bình thường, cũng như những nông dân khác trên địa bàn, 3 giờ sáng, ông Duẩn ra ruộng hoa. Nhưng bây giờ, “giành giật” thời gian để hoa nở kịp vụ tết, cứ 1 giờ sáng, ông Duẩn đã có mặt tại ruộng hoa, thắp điện, cặm cụi chăm sóc. Hiện nay, các loại hoa đã “phủ xanh” trên gần 6 nghìn m2 đất.

Trời đã nhá nhem, nhưng vợ chồng ông Duẩn vẫn còn ngoài ruộng hoa. Nhà bảo vệ đã được sửa chữa, để 800 chậu dạ yến thảo “yên tâm” phát triển. Ông Duẩn bộc bạch, các trận bão, lũ gây thiệt hại lớn, nên vợ chồng ông phải cố gắng gấp nhiều lần để khôi phục và phát triển sản xuất. Năm nay, ông quyết định trồng dạ yến thảo cho vụ tết nhiều hơn, vì đây là loài hoa cao cấp được khách hàng ưa chuộng và cho lãi cao. Với 800 chậu đang có, trừ mọi chi phí, lãi ròng ước tính hơn 40 triệu đồng.

“Tôi lấy giống hoa đồng tiền từ tháng 7. Do bão, lũ nên vợ chồng tôi đưa cây về nhà tránh gió, tránh mưa. Tuy nhiên, trong nhà thiếu ánh sáng, độ ẩm cao nên hư hỏng mất 150 chậu. Nay còn 300 chậu đồng tiền, vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc thật tốt, cho hoa nở đúng vụ, nở đẹp, để bán được giá nhất. ”- ông Duẩn nói.

Bên cạnh đó, ông Duẩn “tăng tốc” và đổ công sức cho các loại hoa. 400 bầu hoa gà trồng đất đã bén rễ, vươn lên đầy sức sống. 600 bầu còn lại sẽ được trồng trong chậu. Chỉ mấy dãy chậu sắp ngay ngắn, ông Duẩn cho biết, đã chuẩn bị đất xong xuôi (trộn đất với trấu mục, rơm mục, phân chuồng đã ủ, để thời gian 1 tháng), bây giờ chỉ còn cho đất vào chậu, để trồng. Thời gian cho vụ tết gấp lắm rồi, nên vợ chồng ông cũng phải “đua” theo.

Có mặt ngoài ruộng hoa từ 1 giờ sáng và đến tối mịt, khi nhà nhà đã lên đèn, ông Duẩn mới rời ruộng. Là nông dân trồng hoa dày dặn kinh nghiệm, hiệu quả, ông Duẩn còn là “địa chỉ” uy tín của nhiều mối hàng trên địa bàn TP. Huế. Những ngày này, khách hàng mua hoa giống (cúc đủ màu, thạch thảo) từ ruộng ông, đồng thời nhờ ông Duẩn đến tận vườn của họ để hỗ trợ về kỹ thuật trồng. Người nông dân nở nụ cười mộc mạc, bộc bạch rằng, suốt cả ngày “theo” vườn hoa của người ta, 17- 18 giờ nhưng vẫn không được về nhà, mà còn phải ra thẳng ruộng hoa của mình, để tranh thủ chăm sóc.

Vợ chồng ông Duẩn còn thêm niềm vui, năm nay đã trồng thử nghiệm thành công hoa cúc họa mi (giống lấy từ Đà Lạt), một loài hoa được thị trường vô cùng ưa chuộng. “Cúc họa mi chúng tôi trồng thử đã ra hoa rất đẹp. Loài hoa này có thể trồng được ở Thừa Thiên Huế trong mùa đông. Vừa rồi, một số khách hàng ở TP. Huế nhờ tôi nhập giống cúc họa mi giúp họ và nhờ tôi hỗ trợ kỹ thuật trồng. Dù thiệt hại lớn do bão, lũ trong thời gian qua, nhưng với mồ hôi, công sức, nỗ lực khôi phục, phát triển sản xuất, tin rằng vụ hoa tết năm nay sẽ mang lại hiệu quả kinh tế”- ông Duẩn nói.

Bài, ảnh: Thanh Thảo 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bám vườn chăm hoa, chăm rau tết

Toàn tỉnh trồng hơn 1.000 ha rau màu vụ đông gồm rau ngắn ngày và rau vụ tết.Do ảnh hưởng mưa bão, thiếu giống nên một số nơi vùng thấp trũng, nông dân bắt đầu mùa vụ muộn hơn thường lệ.

Bám vườn chăm hoa, chăm rau tết

TIN MỚI

Return to top