ClockThứ Ba, 08/10/2019 14:00

Nguy cơ ô nhiễm biển Quảng Điền từ nuôi tôm

TTH - Nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) nằm cách bờ biển chỉ 50-100m, với hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Ngổn ngang nước thải nuôi tôm ven biểnĐiêu đứng vì nước thải hồ tôm

Khu vực nuôi tôm của ông P.V.T (Quảng Công, Quảng Điền) chỉ cách bờ biển chừng 50m, gây nguy cơ ô nhiễm biển do nước thải

Tại thôn 3 và 4 xã Quảng Công có gần 2,5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, sát bờ biển, với hệ thống hồ lắng lọc còn thô sơ, làm nước thải chảy thẳng ra biển, gây ô nhiễm, sạt lở bến thuyền của ngư dân.

Cụ thể, tại thôn 4, hồ nuôi tôm diện tích 1,3 ha (gồm 6 hồ) chỉ cách bờ biển khoảng 50m. Toàn bộ diện tích hồ nuôi này của ông P.V.T (trú tại xã Vinh Hà, huyện Phú Vang), đến địa bàn Quảng Công thuê diện tích đất sát bờ biển của hai hộ dân ở thôn 4 để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Diện tích nuôi tôm này hình thành từ năm 2013, đến nay hệ thống hồ lắng lọc, xử lý nước thải vẫn còn thô sơ. Khu vực nuôi có địa hình nằm khá cao so với bờ biển. Nước đầu vào được bơm từ ống nước ngầm đặt sâu dưới đáy biển khoảng 15m để bơm vào hồ chứa tạm. Tại đây, nước được xử lý trước khi đưa vào hồ nuôi chính. Đầu ra nước thải khu vực nuôi được cho vào một hồ lắng lọc với diện tích khoảng 1.000m2. Nước thải được đưa từ hồ tôm ra hồ lắng lọc này, để một thời gian rồi thải thẳng ra biển.

Từ khu vực kè Quảng Công nhìn lên phía hồ nuôi tôm, có rất nhiều ống lấy nước và dẫn thải, chảy thẳng ra biển với màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi.  “Với quy trình nuôi thay nước liên tục, mỗi vụ có hàng trăm nghìn m3 nước thải chảy thẳng ra biển, nguy cơ gây ô nhiễm rất cao”, bà P.T.N (thôn 4, xã Quảng Công) lo lắng.

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, hiện địa phương có 12 hồ tôm với diện tích khoảng 2,4ha tại thôn 3 và 4. Các hồ này chỉ cách bờ biển từ 50-100m, của các hộ cá nhân, thuê lại đất nuôi thủy sản của người dân trên địa bàn. Trong quá trình nuôi, chủ hồ tôm có xây dựng các hồ lắng lọc, dẫn thải. Tuy nhiên, đầu ra không được xử lý mà thải thẳng ra biển. Xã cũng không đủ chuyên môn để kiểm tra xem có ô nhiễm hay không mà phải báo cáo cấp trên về lấy mẫu nước để quan trắc.

“Trước đây, người dân từng phản ánh khu vực hồ nuôi của ông P.V.T xả thải gây ô nhiễm, sạt lở khu vực bãi neo thuyền của người dân thôn 4. Sau khi nhận phản ánh của người dân, UBND huyện Quảng Điền cùng lực lượng cảnh sát môi trường (CSMT) và địa phương đã kiểm tra, yêu cầu xây thêm bể lắng để giảm lưu lượng chảy và chấm dứt tình trạng ô nhiễm. Đến nay, địa phương vẫn chưa nắm rõ công tác khắc phục của chủ hồ nuôi tôm đến đâu. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”, ông Nguyễn Hữu Truyền khẳng định.

Tương tự, tại xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) cũng có hơn 3 ha tôm thẻ chân trắng trên cát nuôi sát đường bờ biển, cách bờ chừng 100m. Các hồ nuôi ở đây cũng xả thải ra biển sau khi qua hồ lắng lọc được người dân tự đầu tư.

Ông Nguyễn Đình Vu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn thông tin, sau một thời gian bị dịch bệnh, hiện trên địa bàn số hộ thả nuôi tôm vụ đông rất ít, chỉ vài nghìn m3. Các hồ ở đây, hệ thống xử lý nước thải khá hoàn thiện. Địa phương thường xuyên phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền và lực lượng CSMT kiểm tra môi trường, xả thải tại khu vực hồ nuôi và nhắc nhở các chủ hồ nuôi phải đảm bảo công tác môi trường biển.

Theo bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Điền tập trung chủ yếu ở Quảng Công, Quảng Ngạn với diện tích dao động khoảng 5-6 ha/vụ. Hầu hết diện tích tôm này là của các hộ cá nhân, thuê đất lại tại địa phương để nuôi. Do là hộ cá nhân nên hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư hoàn thiện, đúng quy chuẩn. Mặt khác, tại các địa phương này đến nay vẫn chưa có công trình xử lý nước thải do nhà nước đầu tư để nuôi tôm trên cát ven biển, nên việc nuôi sát bờ biển có nguy cơ gây ô nhiễm.

“Phòng NN&PTNT nhiều lần phối hợp với Phòng TN&MT, lực lượng CSMT, các địa phương kiểm tra đột xuất và thường xuyên nhắc nhở các chủ hồ nuôi tuân thủ quy trình bảo vệ môi trường vùng nuôi, nuôi lâu dài nên cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải quy mô nhằm đảm bảo công tác môi trường”, bà Nhã cho biết.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất làm đường, chỉnh trang khu dân cư đã trở thành điểm nhấn, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top