ClockThứ Bảy, 02/04/2016 14:48

Nuôi tôm chân trắng trên đầm phá: Đừng để hệ lụy

TTH - Tuy UBND tỉnh cho phép nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nhưng thời gian qua, xảy ra tình trạng người dân nóng vội, không tuân thủ các quy định an toàn nuôi dẫn đến hệ lụy đáng tiếc.

Hệ lụy…

Trong khi chờ quy hoạch, có đến cả trăm hộ dân ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) nôn nóng, thấy lợi trước mắt đã lén lút, ồ ạt đào hồ nuôi tôm chân trắng tại địa phương với diện tích hàng chục ha. Việc thiếu định hướng, quy hoạch, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, các quy định của các cơ quan chức năng dẫn đến hệ lụy đáng tiếc xảy ra. Hầu hết các ao nuôi của người dân không đảm bảo diện tích, không có ao lắng, ao xử lý nước thải, kênh mương xử lý môi trường… nên ngay từ vụ đầu tiên đã bị ô nhiễm môi trường, tôm dịch bệnh dẫn đến thua lỗ. Nhiều hộ “tiến thoái lưỡng nan”, nợ từ 50 triệu đến cả vài trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Bình ở thị trấn Lăng Cô than thở: “Thấy người ta ồ ạt đào ao nuôi, tôi suốt ruột làm theo. Bây giờ thua lỗ, nợ nần không biết khi nào trả hết”…

Thu hoạch tôm chân trắng

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Thông chia sẻ: Cán bộ của đơn vị rất mỏng, không thể kiểm tra thường xuyên tại các địa phương để nắm bắt tình hình. Khi chúng tôi phát hiện người dân ở Lăng Cô tự ý đào hồ nuôi tôm chân trắng “mọi sự đã rồi”. Ý thức người dân còn thấp, lại bỏ ra kinh phí lớn đầu tư nuôi nên không dễ gì cưỡng chế, xử lý trong một sớm một chiều. Các ban ngành chức năng chỉ biết phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng quy định, quy trình nuôi tôm chân trắng trên đầm phá; đồng thời, yêu cầu dừng ngay việc nuôi tôm trái phép. Nhưng người dân vẫn cố nuôi nên ngay vụ đầu tiên đã thua lỗ, bà con mới vỡ lẽ. Không có vốn tái đầu tư, sản xuất, lại sợ thua lỗ nên hiện người dân đã ngừng nuôi.

Cần quản lý chặt

Quyết định 72 của UBND tỉnh khi cho phép nuôi tôm chân trắng trên đầm phá, kèm theo các yêu cầu, quy định khắt khe nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Quyết định quy định rất rõ, người dân chỉ phép nuôi tôm chân trắng khi có quy hoạch vùng nuôi, ao nuôi, hạ tầng nuôi trồng được đầu tư xây dựng. Ao nuôi phải có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000m2 được xây dựng từ năm 2010 và 2.000m2 xây dựng trước năm 2010. Độ sâu mặt bờ đến đáy ao tối thiểu hai mét, mực nước ao nuôi duy trì thấp nhất 1,4m. Các ao nuôi, vùng nuôi phải có ao lắng, xử lý nước thải, kênh mương cấp thoát nước riêng biệt, cống cấp nước phải có lưới chắn lọc…

Bà Phạm Thị Ánh, Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô có tiềm năng rất lớn để nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôm chân trắng. Muốn nuôi tôm chân trắng ở vùng đầm phá hiệu quả, tránh “vết xe đổ” từ con tôm sú, không có con đường nào khác phải tuân thủ các quy định, quy trình của cơ quan chức năng. Các địa phương, người dân không nên nóng vội đầu tư nuôi tôm khi hệ thống hạ tầng nuôi trồng chưa được đầu tư một cách thỏa đáng. Các tổ chức, cá nhân trước khi có kế hoạch nuôi tôm phải báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, có cam kết bảo vệ môi trường và đủ các yếu tố, điều kiện quy định.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chỉ rõ nguyên nhân tôm nuôi dịch bệnh, chết, không hiệu quả là do vùng nuôi bị ô nhiễm. Kênh mương, thủy lợi, ao hồ… chưa đảm bảo theo quy định, quy trình kỹ thuật là các yếu tố gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi, ao nuôi. Ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, các ban ngành, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý trong quá trình nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá. Chính quyền địa phương trực tiếp quản lý sở tại cần phải thường xuyên kiểm tra nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Các địa phương, ban ngành có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra và cương quyết xử lý nghiêm các hộ nuôi tôm trái phép, chưa đủ các điều kiện theo quy định.

Nuôi tôm chân trắng có tác động rất lớn đến môi trường vùng đầm phá nên một thời gian dài tỉnh không cho phép nuôi. Cách đây hơn một năm, sau khi nghiên cứu kỹ và qua quá trình thử nghiệm, UBND tỉnh có Quyết định 72/2014/QĐ-UBND ngày 27/11/2014 về việc cho phép nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô. Đây là cơ hội mới cho người dân thực hiện khát vọng, ước mơ đổi đời từ nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cần có giải pháp quản lý chặt nhằm tránh rủi ro và mang lại hiệu quả cao.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hệ lụy từ sau những bản án về ma túy

Chỉ vì siêu lợi nhuận trước mắt mà nhiều người bất chấp, lún sâu vào con đường phạm tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Gieo rắc “cái chết trắng”, hủy hoại biết bao con người, phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, những bị cáo này đáng phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Hệ lụy từ sau những bản án về ma túy
Nhiều hệ lụy từ tài nguyên lậu

Đúng theo quy luật cung cầu - mặt hàng nào khan hiếm thì giá sẽ cao. Nhiều nguồn tin cho hay những ngày vừa qua, cát tại đồng bằng sông Cửu Long “khan hiếm lạ thường”. Nó cũng hé lộ ra một thông tin là sự khan hiếm này có liên quan đến vụ khai thác cát lậu ở An Giang và ngay Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường An Giang cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc câu kết với mỏ cát khai thác trái phép.

Nhiều hệ lụy từ tài nguyên lậu
Hệ lụy từ những lá bài

Hiện nay, nhiều bạn trẻ tìm đến bói bài Tarot để giải quyết những khó khăn mắc phải trong cuộc sống, công việc hay tình cảm.

Hệ lụy từ những lá bài
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Căng thẳng mùa thi: Hệ lụy và giải pháp cho sức khỏe

Một nghiên cứu cho thấy, khoảng 26,1% học sinh lớp 11 và 12 bị căng thẳng, stress. Trong đó, top 10 vấn đề căng thẳng gặp nhiều nhất đều có liên quan đến việc học tập và thi cử đứng thứ 2.

Căng thẳng mùa thi Hệ lụy và giải pháp cho sức khỏe
Return to top