ClockThứ Bảy, 29/06/2019 12:51
SIẾT CHẶT LẮP ĐẶT HỆ THỐNG GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH TÀU CÁ:

Phạt nặng nếu vi phạm

TTH - Ngày 5/7 tới đây, Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực. Theo đó, các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 không trang bị thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt rất nặng (từ 300-500 triệu đồng).

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tới 1 tỷ đồng

Một trong những tàu đánh bắt xa bờ đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

290/421 tàu cá đã được lắp đặt

Theo thông tin từ ngành thủy sản, đến nay, toàn tỉnh có 290/421 tàu đánh bắt xa bờ  đã lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT), trong đó có 11 chiếc dài 24 mét trở lên và tất cả cá tàu dài 15 mét đến dưới 24 mét đã hoàn thành lắp đặt theo quy định của Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Khi có chủ trương, ông Trần Quân ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) cũng như nhiều ngư dân đã đầu tư hệ thống thông tin liên lạc từ xa có tích hợp định vị vệ tinh. Ông Quân cho rằng, việc sử dụng thiết bị liên lạc này cơ bản đáp ứng yêu cầu thông tin lạc trong quá trình khai thác, di chuyển trên vùng biển khơi.

Từ cuối năm 2018 đến đầu năm nay, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ việc nâng cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa có THĐVVT. Tỉnh đã cấp kinh phí đầu tư xây dựng trạm bờ tại Chi cục Thủy sản tỉnh, có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu từ tàu cá chuyển về. Ngư dân có trách nhiệm tự mua sắm thiết bị với giá khoảng 7 triệu đồng/cái. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 290/421 chiếc trong diện buộc lắp đặt TBGSHT đã được nâng cấp. Với thiết bị giám sát này, cơ quan chức năng có thể kiểm tra bất cứ tàu cá nào hoạt động trên vùng biển xa cùng các thông số như thuyền trưởng, chủ phương tiện, ký hiệu, địa chỉ, tải trọng, đang ở vĩ độ, kinh độ nào, cách bờ bao nhiêu hải lý...

Thu mua hải sản tại bến cảng Thuận An

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh lý giải, sở dĩ đến nay mới có 290/421 chiếc lắp đặt TBGSHT có tích hợp định vị vệ tinh vì mới triển khai từ cuối năm 2018 đến nay theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Theo chủ trương của Bộ NN&PTNT, đến ngày 1/7/2019, tất cả các tàu dài từ 24 mét trở lên và đến đầu năm 2020 các tàu dài từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp đặt hệ thống TBGSHT. Trên địa bàn tỉnh, đến nay đã hoàn thành. Số tàu chưa lắp đặt chủ yếu chiều dài dưới 15 mét. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ lắp đặt 350 chiếc và theo lộ trình đến năm 2021 sẽ hoàn thành việc lắp đặt cho toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Giang đánh giá, việc sử dụng TBGSHT có tích hợp định vị vệ tinh tính đến thời điểm này ổn định, phù hợp với khả năng, điều kiện hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý thông qua theo dõi hệ thống thông tin liên lạc từ xa có tích hợp định vị vệ tinh cho thấy, chưa phát hiện ngư dân trên địa bàn tỉnh vi phạm đánh bắt ở các vùng biển thuộc phạm vi nước ngoài, chủ yếu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và một số tàu đánh bắt vùng biển chung giữa các nước thuộc vịnh Bắc Bộ. Đối với tàu giã cào hiện toàn tỉnh chỉ có 4 chiếc được cấp phép hoạt động từ 30 hải lý trở ra, chưa phát hiện có tình trạng vi phạm khai thác ở vùng lộng.

Đáp ứng yêu cầu 

Theo phản ánh của người dân, gần đây có khoảng một nửa số thiết bị trong tổng số 290 chiếc tàu đã được lắp đặt TBGSHT xảy ra sự cố. Ông Ngô Đức Mạnh ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cho hay, trong quá trình sử dụng, thiết bị xảy ra sự cố đột ngột, không ổn định, có khi không thể hoạt động khiến việc thu nhận và truyền thông tin, dữ liệu khi được, khi mất…

Qua kiểm tra cho thấy, nguyên nhân do các thiết bị đầu tư khá lâu, từ 8-10 năm. Sau khi các thiết bị được nâng cấp, ngư dân sử dụng chưa quen, vì trước đây các thao tác điều khiển bằng tay, giờ chuyển sang chế độ tự động. Một số ngư dân chưa chủ động sắm thêm bình ắc quy nên xảy ra tình trạng thiếu điện, thiết bị không hoạt động. Nhiều ngư dân còn chủ quan, thường tắt bộ đàm để tránh ồn khi ngủ, một phần lo ngại bị nhanh chóng hư hỏng nên thường tắt, hạn chế sử dụng…

Từ hơn một tháng trở lại đây, hầu hết các thiết bị được các đơn vị cung cấp tiến hành sửa chữa, khắc phục, mua sắm mới và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng cho ngư dân nên hầu hết các thiết bị đã hoạt động trở lại bình thường.

Về việc các thiết bị hiện nay phần lớn đã cũ, có đáp ứng yêu cầu giám sát, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, đến nay chưa có chủ trương, quy định, hướng dẫn nào về việc quy định quy chuẩn TBGSHT tàu cá xa bờ nên Chi cục Thủy sản không có cơ sở triển khai thực hiện. Các thiết bị ngư dân đang sử dụng hiện nay đáp ứng yêu cầu nắm bắt thông tin hoạt động của tàu cá xa bờ là vấn đề tích cực.

Mới đây, một số đơn vị cung cấp đã đến làm việc với Chi cục Thủy sản và các địa phương để quảng bá một số TBGSHT tàu cá hiện đại. Tuy nhiên, đến nay các thiết bị này chưa được kiểm nghiệm thực tiễn trên địa bàn tỉnh nên ngư dân chưa yên tâm, đầu tư mua sắm. Hơn nữa, mỗi hệ thống thiết bị giám sát hiện đại này có giá cao từ, 40-50 triệu đồng, lại còn chi trả cước phí hàng tháng trên 1 triệu đồng/tháng. Đây là mức đầu tư khá lớn đới với khả năng của nhiều ngư dân trong điều kiện đánh bắt ngày càng khó khăn, hiệu quả không ổn định.

Về chủ trương siết chặt việc lắp đặt TBGSHT theo Nghị định 42, Chi cục Thủy sản cho biết, đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền cụ thể  đến ngư dân.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

Ngày 20/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nhằm phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao.

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU
Thả lưới ven bờ

Chờ gần 2 giờ đồng hồ trên bãi biển xã Giang Hải (Phú Lộc), anh Thuận mới bắt đầu thu lưới. Trớ trêu thay, tấm lưới khi kéo lên trên tay anh chỉ le te vài con cá nhỏ. Trong khi chỉ cách vài trăm mét gần đó, tấm lưới của anh Hải lại mắc chi chít cá đang chờ được gỡ.

Thả lưới ven bờ
Return to top