ClockThứ Bảy, 29/05/2021 06:15

Phát triển diện tích giống lúa chất lượng cao

TTH - Đến năm 2025, diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao của các địa phương trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 24.900 ha, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha. Trong đó có khoảng 50% diện tích lúa có liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp (DN) trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Chọn giống lúa mới, phù hợp vụ đông-xuânHình thành vùng lúa chất lượngQuảng Điền lãi cao hơn 40 tỷ đồng so với vụ lúa hè thu trước

Khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao

Triển vọng từ giống mới

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao, tập trung nhiều ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền. Việc triển khai xây dựng mô hình sản xuất các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu với sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất lợi nhằm đa dạng hóa giống lúa trên địa bàn và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Từ vụ đông xuân 2018-2019 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai sản xuất thử nghiệm giống lúa HG12 ở nhiều địa phương, trên nhiều chân đất khác nhau. Đây là giống lúa do Công ty CP Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh chọn tạo và được đưa vào sản xuất thử nghiệm tại 1 số HTX trên địa bàn tỉnh.

Với đặc điểm sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh mạnh, bông to, tỉ lệ hạt chắc khá, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh; hạt gạo trong, cơm ăn ngon, mềm dẻo, có vị đậm, năng suất khá cao, trung bình 65-70 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 tạ/ha, giống lúa HG12 đang dần được nông dân trên địa bàn đưa vào sản xuất.

Khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao ở Phú Vang

Năm 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu được triển khai trên diện tích trồng lúa truyền thống tại xã Phong Hiền (Phong Điền) và giao cho HTX kinh doanh, dịch vụ NN An Lỗ thực hiện. Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX kinh doanh, dịch vụ NN An Lỗ khẳng định, đơn vị đang sản xuất giống J02 theo quy trình hữu cơ, đóng gói bao bì và HTX cũng đã có chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ do cơ quan chức năng cấp. Từ diện tích ban đầu 8 ha/vụ, đến nay, HTX phát triển lên 16 ha/vụ, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 40 tấn gạo hữu cơ.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT) thông tin, theo kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025, diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 24.900 ha, lợi nhuận tăng thêm khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường.

Sẽ xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm, nhằm chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng NTM. Trước mắt, sẽ bố trí khảo nghiệm diện hẹp 15-20 giống lúa mới/vụ để đưa vào khảo nghiệm diện rộng nhằm xác định một số giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu đưa vào cơ cấu giống của địa phương.

Đồng bộ các giải pháp

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khẳng định, thời gian đến sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ở các vùng đất thích hợp, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, phương pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học... nhằm sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn. Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác “4 nhà”, áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao... ở một số địa phương trong tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh đã có các giải pháp ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các giống lúa chất lượng cao đồng bộ từ chọn tạo giống đến toàn bộ quy trình sản xuất. Sử dụng cấp giống bảo đảm tiêu chuẩn, giảm lượng giống gieo (khoảng 80-100kg/ha). Đầu tư cơ giới, tạo điều kiện các hộ dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ ít hoặc không có lao động, không có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hoặc đã chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định, cho các hộ khác thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ có nhu cầu tích tụ đất để mở rộng sản xuất lúa hàng hoá.

Ông Hồ Đăng Khoa thông tin, tỉnh đã có những chính sách tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các DN, HTX, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đào tạo hơn 2.000 nông dân

Theo kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đến năm 2025 sẽ đào tạo, tập huấn cho hơn 2.000 hộ nông dân trồng lúa áp dụng các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp và xử lý rơm rạ sau thu hoạch,... nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác lúa.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vượt thách thức trong phát triển đô thị

Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì diện tích của đô thị Thừa Thiên Huế là rất lớn. Điều này đặt ra nhiều thách thức.

Vượt thách thức trong phát triển đô thị
Nam Đông phát triển kinh tế vườn

Đặc thù của miền núi Nam Đông có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn. Tận dụng lợi thế này, các địa phương, người dân đầu tư phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi, mỗi ha cho thu nhập mỗi năm từ 55 triệu đồng trở lên.

Nam Đông phát triển kinh tế vườn
Cơ hội từ quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia

Lăng Cô - Cảnh Dương là một trong số 61 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia (DLQG) vừa được quy hoạch. Đây là định hướng quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới và cũng là cơ hội để du lịch Huế có thêm cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Cơ hội từ quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia

TIN MỚI

Return to top