ClockThứ Tư, 13/05/2015 16:16

Phát triển kinh tế gò đồi ở Phong Điền

TTH - Bằng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đời sống cư dân các xã vùng gò đồi huyện Phong Điền đã có sự đổi thay đáng kể. Kinh tế vườn – rừng, kết hợp chăn nuôi gia trại, trang trại… là hướng đi đưa vùng đất này phát triển nhanh chóng.

Vùng gò đồi của huyện Phong Điền được phủ xanh bởi các loại cây công nghiệp, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao

Hiệu quả được khẳng định

Vùng gò đồi huyện Phong Điền gồm các xã: Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn. Để phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả, huyện phấn đấu hàng năm trồng 1.000 ha rừng; trồng mới 150 ha cao su; năm 2015, phát triển đàn bò khoảng 1.400 con; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%; giao đất, giao rừng để khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng, khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi theo quy mô tập trung, trang trại có chất lượng…

“Phải phát triển kinh tế vườn – rừng” là mục tiêu chung đặt ra của Đảng bộ, chính quyền các xã vùng gò đồi huyện Phong Điền. Theo lý giải của những cán bộ nơi đây, lợi thế của các địa phương chính là gò đồi. Nhưng để “biến” vùng gò đồi trở thành những vườn cây trù phú, tràn đầy sức sống không phải là dễ. Tuy khó, nhưng không phải không thực hiện được, nhưng thực hiện như thế nào mới là vấn đề đặt ra.
“Rừng kinh tế, rừng cao su, cây hoa màu chủ lực và chăn nuôi là những thế mạnh của địa phương. Trong số hơn 4.000 ha diện tích rừng kinh tế, có đến hơn 1.200 ha người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ. Với tổng diện tích hơn 1.400 ha cây cao su, đã có đến hơn 1.200 ha đưa vào khai thác lấy mủ. Năm 2014, tổng sản lượng mủ khai thác lên đến hơn 6.000 tấn. Cây cao su đã giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động tại địa phương và được xem là cây chủ lực, tạo nguồn thu nhập chính cho người dân. Từ 2010 đến nay, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân ổn định hơn, thu nhập ngày càng tăng. Năm 2010, hộ nghèo của xã 5,1%, đến nay còn 4,05%”, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, Nguyễn Hữu Đức hồ hởi khi đề cập đến sự phát triển của địa phương.
Cùng với Phong Mỹ, Phong Xuân cũng có sự đổi thay nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phát triển công nghiệp, gắn với nông nghiệp là lựa chọn hướng phát triển kinh tế của Đảng bộ, chính quyền xã Phong Xuân. Mô hình người dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng cộng đồng được xem là lựa chọn khá hợp lý. Chính được hưởng lợi từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng cộng đồng, nên kinh tế không ít gia đình ổn định hơn và khá lên trông thấy. Nhiều hộ mạnh dạn đứng ra đảm nhiệm việc trồng, chăm sóc cây cao su, cây hồ tiêu vừa tạo việc làm, vừa tăng thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, ông Trần Văn Cân nhẩm tính: “Xã có không ít người làm ăn khấm khá nhờ kinh tế vườn – rừng, kết hợp trang trại, gia trại. Trồng rừng, kết hợp chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, dê là lựa chọn của nhiều gia đình. Nguồn thực phẩm thịt tươi, sạch của các gia đình không chỉ đáp ứng nhu cầu trong xã, trong huyện, mà vươn ra cung ứng ở các tỉnh Quảng trị, Quảng Bình. Hộ ông Lê Phúc ở thôn Bình An lúc đầu chỉ nuôi 10 con bò, nay đã tăng lên hàng chục con, với mức thu nhập 100 triệu đồng/đợt bán. Hay như thôn Quảng Lợi có ông Hoàng Thắng; thôn Vinh Ngạn 2 có ông Trần Sơn… hàng năm có thu nhập vài trăm triệu đồng”.  
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền huyện Phong Điền. Thế nhưng, sau một thời gian nỗ lực thực hiện, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở vùng gò đồi Phong Điền vẫn chưa đạt theo Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra. Hiện, có 7/10 chỉ tiêu vượt, đạt và cơ bản đạt, nhưng có 3/10 chỉ tiêu không đạt. Đó là, tỷ lệ hộ dùng điện lưới chỉ đạt 98%/100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch chỉ đạt 35%/80-90%; phổ cập giáo dục THCS và tỷ lệ lao động được đào tạo nghề vẫn chưa đạt như mong muốn.
 Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui trăn trở: “Đó là những con số minh chứng cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện trong thời gian tới bằng những chính sách, giải pháp quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, chính trị, địa phương toàn huyện. Phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp là vấn đề đặt ra. Bên cạnh công tác quy hoạch, sắp xếp lại các loại rừng, cụm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, du lịch sinh thái, huyện khuyến khích và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đến đầu tư, khai thác có hiệu quả du lịch vùng gò đồi, xem đây là thế mạnh của vùng, chú trọng công nghệ chế biến sản phẩm rừng trồng, rừng thông và cây cao su; tập trung đầu tư, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích và tổng đàn”.
Theo đó, đất đai, nguồn vốn là những vấn đề mà người dân vùng gò đồi thường gặp phải cũng được huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thời gian tới. Mục đích là để người dân vùng gò đồi tiếp tục xây dựng trang trại chăn nuôi và xây dựng các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở chế biến nông – lâm – thủy sản, đặc biệt, quan tâm nguồn vốn cho phát triển đàn bò chất lượng cao. Quan tâm nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ cho chương trình phát triển kinh tế gò đồi.
Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Return to top