Tiến hành tiêu hủy lợn dịch
Lây lan nhanh
Ngày 24/5, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Phú Lộc xuất hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Phước (thôn Hòa Vang 2, Lộc Bổn) khi 3 con lợn nái của ông có biểu hiện bỏ ăn bất thường, trong đó 1 con bị chết. Sau đó 1 ngày, 3 hộ khác ở Lộc Bổn cũng thông báo có lợn bệnh do dịch tả. Tổng cộng lợn tiêu hủy ở Lộc Bổn là 4 con, số còn lại trong tình trạng cách ly.
Địa bàn thứ hai lợn bị chết ở Phú Lộc, có mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi là xã Lộc Điền. Theo ông Phan Tích (thôn Đông An, xã Lộc Điền), hộ dân có lợn chết, trước đó khoảng vài ngày, lợn không ăn, lười vận động, một số vùng da như tai, đuôi, cẳng chân chuyển sang màu đỏ. Ngay khi lợn bị chết, gia đình ông báo với chính quyền địa phương và đã tiêu hủy.
Đến chiều 28/5, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lộc phối hợp với xã Lộc Điền tiếp tục tiêu hủy 11 con lợn (1 nái, 11 thịt, trọng lượng hơn 550kg) của hộ gia đình ông Phan Tích, vì sau 2 ngày, cả đàn lợn đã bị nhiễm bệnh. Nâng tổng số lượng lợn phải tiêu hủy toàn huyện Phú Lộc đến cuối ngày 28/5 là 26 con.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, tính đến hết ngày 28/5, toàn huyện có 2 xã chính thức công bố có dịch tả lợn châu Phi là Lộc Bổn và Lộc Điền. Còn lại các xã thuộc khu I, gần với 2 xã đã công bố dịch, gồm: Lộc Sơn, Lộc An, Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc (trừ xã Lộc Hòa) đã ghi nhận tình trạng lợn bị bệnh hoặc chết nghi nhiễm dịch tả. Hiện các mẫu lợn bị chết đã được gửi đến Chi cục Thú y vùng III (Nghệ An) để xét nghiệm và đang đợi kết quả.
Khẩn trương khoanh vùng dập dịch
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, ngoài lợn chết và bị bệnh đã tiêu hủy, số lợn còn lại trong đàn của các hộ dân đang được cách ly, theo dõi nghiêm ngặt. Đồng thời, triển khai đồng loạt các giải pháp khoanh vùng, bơm thuốc tiêu độc, khử trùng để dập dịch.
Tại các xã có lợn chết, tất cả đã thành lập các chốt để phong tỏa vùng dịch với bên ngoài. Lực lượng công an xã, xã đội, dân quân… được huy động, túc trực trên các tuyến đường vào ổ dịch, không cho lợn trong vùng dịch ra ngoài và ngoài vùng dịch.
Tiếp tục tiêu hủy 11 con lợn của hộ dân tại xã Lộc Điền trong chiều 28/5
Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, ngày 28/5, UBND huyện Phú Lộc đã có văn bản gửi tất cả các địa phương đã và chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, yêu cầu các địa phương tăng cường tiêu độc khử trùng, rắc vôi, tập trung lực lượng khoanh vung để dập dịch như đúng quy trình. Phun thuốc tiêu độc, khử trùng liên tục trong 7 ngày, bán kính 3km từ ổ dịch đối với các địa phương đã phát hiện dịch, còn các xã chưa có dịch mỗi tuần phun 1 lần. Quá trình tiêu hủy lợn phải đúng quy trình, hố sâu 3m, lợn được bọc ni lông và rải vôi, phun thuốc tiêu độc trước khi san lấp. Các địa phương phải có sự chủ động phối hợp thông tin để việc xử lý, khoanh vùng dịch được chặt chẽ hơn.
“UBND huyện Phú Lộc cũng đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phú Lộc đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, đài truyền hình huyện, phát tờ rơi, ký cam kết cho các chủ hộ chăn nuôi, nhằm nâng cao ý thức của người dân, không vứt xác lợn chết bừa bãi. Yêu cầu khi phát hiện lợn có dấu hiệu đau hoặc chết bất thường phải báo với chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Tuyệt đối cấm buôn bán, tiêu thụ lợn trong vùng dịch”, ông Hồ Trọng Cầu nhấn mạnh.
Với tốc độ lây lan nhanh như những ngày qua, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi ở Phú Lộc dự báo còn rất phức tạp. Do đó, cần chủ động các giải pháp ngay từ bay giờ sẽ góp phần hạn chế được những thiệt hại do dịch tả gây ra.
Tiếp tục xuất hiện lợn nhiễm bệnh tại TP. Huế
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP. Huế có 2 phường là An Tây và An Hòa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn tiêu hủy là 43 con.
Chiều 28/5, tại hộ nuôi của ông Trần May, tổ 7 phường Hương Sơ tiếp tục xuất hiện 7 con lợn bệnh, trong đó 1 lợn nái và 6 lợn con, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu và đưa đi xét nghiệm để xác định đàn lợn này có bị nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi hay không, đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hương Sơ Lê Văn Khán, sau khi trên địa bàn xuất hiện lợn bệnh, phường đã triển khai rải vôi tại các chốt chặn, tụ điểm kinh doanh, các tuyến đường trung tâm các hộ dân thường xuyên vận chuyển lợn; đồng thời tổ chức cấp phát thuốc, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa trường lợn lợn nhiễm bệnh tả lợn châu Phi. Mặt khác, phường tổ chức cho 25 hộ chăn nuôi lợn ký cam kết không dấu bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu chăn nuôi, tăng sức đề khán cho lợn và không được giết ổ lợn nhiễm bệnh…
Ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Huế cho biết, từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại hộ nuôi ở phường An Tây, UBND TP. Huế đã chỉ đạo các phường tăng cường công tác phòng bệnh, đồng thời tổ chức cấp phát thuốc đến từng hộ nuôi và hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tiêu độc khử trung khu vực xung quanh chuồng trại nhằm hạn chê stoois đa số lợn nhiễm bệnh và lây lan cho các khu vực xung quanh.
Thanh Hương
|
Bài, ảnh: Đức Quang