ClockThứ Ba, 09/05/2023 21:05

Rộn ràng thu hoạch lúa đêm

TTH.VN - Thời điểm này, nhiều hộ nông dân tổ chức thu hoạch, bán lúa ban đêm. Không khí vùng làng quê sôi động, ồn ã tiếng nói cười trong thanh âm của mùa màng bội thu ấm no…

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ lúa đông xuânKhởi nghiệp & thành công ở quê nhàTốc độ giảm lãi suất đang diễn ra khá tích cựcHướng đi tất yếu của hợp tác xã chuỗi giá trịNông nghiệp bền vững, nông dân hiện đạiVẫn có nguy cơ khô hạn trong vụ Hè Thu ở Trung Bộ

leftcenterrightdel
 Gặt lúa đêm tại Hương Phong, TP. Huế

Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thu hoạch sớm để đảm bảo chất lượng lúa, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai. Khắp nơi, nông dân đều tranh thủ thời gian thu gặt.

Tất bật 

20h đêm trên cánh đồng Thanh Phước, Hương Phong, TP. Huế, lão nông Lê Séc đi qua đi lại trên đường đê nhẩm tính số bao lúa từ xe đổ xuống. Dưới ruộng, con cháu ông hợp sức hò dô bưng lúa lên xe chở về dưới sự chỉ huy của ông.

Năm ni nhà ông Séc trồng 4,5 sào lúa. Do vào vụ máy gặt đã lên lịch làm việc liên tục nên ông chấp nhận thu hoạch lúa ban đêm. “Cả nhà chưa ai cơm nước, nghe điện thoại gọi cắt là đổ ra đồng. Có máy móc nên tiết kiệm được công sức tiền bạc. Ban ngày để thời gian làm việc khác”, ông nói.

Một sào thu được chừng 50 bao lúa. Giống Khang Dân bán được 7.300 đ/kg. Nhẩm tính sơ sơ nguồn thu được hơn năm ngoái. Tối ni nhà ông Séc tập trung toàn lực thì hai ngày là phơi, bán xong.

Cách ruộng ông Séc hơn 100m, ông Phan Hữu Tuyển đem bao chạy tới chạy lui tiếp nước, rọi đèn thêm cho tổ lái máy gặt. Nhà ông trồng 11 sào trong đó có 7 sào Khang Dân, 4 sào lúa thơm HT1. Vợ bệnh tim, một tay ông lo toàn bộ mùa màng, cao điểm chỉ thuê thêm 1 công thợ phụ giúp. Năm nay ông thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu, thu đến đâu, bán đến đấy. Suốt tuần qua, ông phải làm đêm để kịp khung thời vụ bởi vùng bên cạnh người ta đã gieo vụ mới.

Chỉ tay vào đám lúa chín cúi chưa thu hoạch ông khoe: “Mấy sào giống HT1 ni ngó chẹn lúa áng áng cũng khá đó. Nhìn bằng mắt thường năng suất hơn năm ngoái nhiều. Đây là giống tui trồng để ăn. Mỗi năm nhà ăn gần 1 tấn lúa thôi, chia cho con cháu ở xa nữa vì giống ni ngon, thơm, không ớn. Năm ngoái giá phân bón vật tư cao, lại mất mùa. Ra thu hoạch ai cũng vui cười cả chủ lẫn thợ dù cho mần việc tới khuya. Năm ni ông trời bù cho”, ông Tuyển cười.

leftcenterrightdel
 Hợp sức đưa lúa về nhà trong đêm

Tất bật hơn cả có lẽ là đội lái máy cắt. Toàn HTX Thanh Phước có hai chiếc và hoạt động liên tục với giá 1 sào 120.000 đồng cho xã viên. Anh Phan Hữu Nghiệp, Đội trưởng đội máy gặt HTX Nông nghiệp Thanh Phước bước vào buổi làm đêm thứ sáu từ đầu màu đến nay.

HTX có 2 máy gặt, mỗi máy có 3 người vận hành, sửa chữa. Vào mùa, máy luân phiên cắt theo đăng ký xã viên. Mấy hôm chừ 6h sáng các anh có mặt ở ruộng, tới 24h đêm mới nghỉ. “Tụi tui làm liên tục 15 ngày 15 đêm như ri. Đêm được cái mát mẻ, máy ít hư hỏng, đỡ tốn nguyên liệu. Vả lại vô vụ là phải chạy tốc lực mới kịp. Gặp ruộng bằng phẳng, lúa không gãy đổ là mần rẹt rẹt. Chơ gặp ruộng khó gặt vừa lâu vừa dễ hư máy móc”, anh Nghiệp cho hay.

Theo ông Phan Văn Đại, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Phước, toàn vùng trồng 65 ha lúa các loại. Bà con theo dõi lịch chuyển mùa vụ nên đều tranh thủ huy động máy móc, nhân lực thu hoạch.

“Thóc tươi, tiền thật”

Cảnh cắt lúa rộn ràng song cảnh đóng bao cân bán cũng nhộn nhịp huyên náo không kém. Trên con đường Võ Văn Kiệt nối dài hướng về Thuận An, đèn điện sáng lóa, nhiều nông dân vừa ăn vừa gom lúa đóng bao.

Hôm nay, bốn mẹ con bà Hoàng Thị Kính, 67 tuổi ở Dưỡng Mong, Phú Mỹ cùng em và con phơi, đóng, xóc, vịn mấy chục bao lúa từ 5h sáng cho tới 21h đêm chờ thương lái tới mua. Uống ngụm nước giải nhiệt giữa cái nóng đầu hè, bà bảo “ăn trên lúa, nằm trên lúa” từ khi lọt lòng nên gian nan cực khổ nghề nông bà nếm đủ mùi vị.

leftcenterrightdel
 Vận chuyển lúa lên xe thu mua tại Phú Vang

Cả gia đình làm nông truyền thống canh tác mấy chục mẫu, năm nào bà cũng thu hoạch lúa tới đêm. Tính ra mỗi một vụ nhà bà đóng hơn cả ngàn bao lúa. Cả nhóm phụ nữ khuân vác bưng bê tính toán huyên náo. Đàn ông trong nhà ra ruộng theo máy cắt với chở lúa về tầm 23-24h đêm mới xong. Đàn bà phụ phơi phóng đón bao và giao dịch bán buôn. Năm vừa rồi mất mùa, thua lỗ mấy chục triệu đồng. Năm ni nhà bà mới thu hơn 1,5 tấn lúa, năng suất xấp xỉ 3,5 tạ.

Chị Đặng Thị Trang, con dâu bà Kính làm 5 mẫu cùng với nhà chồng, đến mùa vụ nghỉ bán cá cùng thu hoạch lúa. Mấy tối rồi chị mang con gửi bà ngoại bới cơm nước, mang theo bạt ra cho mẹ chồng và phụ bưng lúa, cân lúa. Các chị em dâu trong nhà cũng như chị, đều chung tay phụ giúp gia đình. Thu hoạch bao nhiêu, thấy được giá bà Kính đều bán hết cho thương lái cho đỡ công vận chuyển, bảo quản.

Khi đống lúa gom lại được gần trăm bao, bà Kính mới “phát lệnh” nghỉ ngơi chờ xe tới cân. Bà Kính tỉ tê: “May nhà đông người, mỗi người lo một việc. Nhà tui canh me nghe thời tiết dữ lắm chơ sợ thất thoát hư hỏng lúa. Nghe năm trước có ông mô đó bên chợ Chiết Bi lên cơn nhồi máu cơ tim mất trong khi gom lúa trời mưa. Cái câu một nắng hai sương là không thấm chi với nghề ni. Một hột lúa trăm hột mồ hôi lận đó o”.

leftcenterrightdel
 Thương lái tính tiền mua lúa cho ông Nguyễn Văn Đặng 

Trong khi nhà bà Kính tổ chức lực lượng hùng hậu thì nhà ông Nguyễn Văn Đặng gom lúa cân lúa một mình. Nhà ông trồng chưa tới 1 mẫu, bán đc 1,5 tấn lúa Khang Dân. Tính ra năng suất được 3,5 tạ mỗi sào, được hơn năm trước. Lúa bán với giá 7.100đ/kg. Bán luôn trong ngày đỡ lo thấp thỏm giá cả, thời tiết. “Quanh đây bà con bán lúa ban đêm vì hẹn với thương lái rồi. Thóc tươi, tiền thật sướng bụng lắm o ”, ông Đặng chia vui.

Bà Dương Thị Ngọc Tuyết, Chủ cơ sở xay xát gạo Bình Tuyết (Phú Hồ, Phú Vang) đánh xe lui tới tuyến đường về Thuận An thu mua lúa. Chưa ăn tối, cả vợ chồng con cái bà tranh thủ thu mua, bốc lúa lên xe tải chở về. Tuần này, gia đình bà thu mua thêm cả buổi đêm các ruộng quanh vùng, thậm chí ra tới Phong Điền. Về tới nhà khoảng 21-22h đêm, xuống lúa tới 1-2h sáng. “Hơn 10 ngày qua, cơ sở tui thu mua ban đêm. Năm ni được mùa, được giá bà con phấn khởi mình cũng vui theo. 17h chiều bắt đầu đánh xe đi, từ chiều tới tối ni mua lúa cả chục hộ rồi. Xong việc mới về ăn cơm chơ phải tranh thủ thời gian cho bà con kẻo họ chờ”, bà Tuyết cho hay.

leftcenterrightdel
 Nông dân tất bật thu hoạch lúa ban đêm

 

 

Bài, ảnh, clip: TUỆ - THẮNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Cứ tết là tất bật

Qua 20 tháng Chạp, ngày cũng như đêm, trên các cung đường chính trên địa bàn Thừa Thiên Huế, những chuyến xe nội, ngoại tỉnh qua lại nhộn nhịp và hối hả.

Cứ tết là tất bật

TIN MỚI

Return to top