ClockThứ Ba, 10/04/2018 06:45

Sen hồng Vinh Thanh

TTH - Chị Lê Mai Khánh Ninh (sinh năm 1978) và anh Nguyễn Công Rô (sinh năm 1973) lẹ làng mặc quần ủng chuyên dụng vào. Anh đi trước, vốc từng vốc tro rải lên mặt hồ, chị đi sau cũng nhuần nhuyễn động tác tương tự. Họ đang bón phân cho sen hồng, đặc sản Vinh Thanh sắp rộ mùa.

Thành công từ trồng senMô hình sen cá lãi gấp 4 đến 6 lần so với trồng lúa

Làm cỏ cho sen

Nghề có từ lâu

Ông Phan Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, cho biết: “Trồng sen là nghề truyền thống lâu đời ở Vinh Thanh. Hiện nay, diện tích ao sen ở xã là 45ha. Chính quyền đang khuyến khích việc chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây này”.

Đi dọc con đường bê tông của thôn 2, thôn 4, thôn 6, chúng tôi như lạc bước vào một xứ sở khác. Sen hồng mọc ngút ngàn trong các ô, đầm. Bà con nông dân người bón phân, người cuốc cỏ, be bờ. Không khí lao động của vùng sen này vô cùng nhộn nhịp.

Anh Nguyễn Công Rô cho hay: “Thuở trước, xã Vinh Thanh có hai đầm lớn trồng sen lâu đời. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2001 tôi chuyển sang trồng loại cây này. Đến nay, diện tích sen của nhà tôi là 1ha, cho thu nhập xấp xỉ 55 triệu trồng, hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng lúa”. Là một trong những người trồng sen dày dặn kinh nghiệm, anh Rô luôn cảnh giác trước các yếu tố gây hại đến cây sen. “Vụ năm trước do chủ quan nên toàn bộ sen trong hồ nhà tôi bị ốc bươu vàng ăn. Tôi phải xuống tận Vinh An mua ngót 10 triệu đồng tiền giống. Những năm gần đây, sen trên địa bàn xã hay bị bệnh xoắn lá, rất khó chữa, gây tổn hại đến sản lượng và chất lượng hạt”, anh Rô chia sẻ.

Toàn bộ hạt sen trên địa bàn xã Vinh Thanh được bán cho thương lái. Hạt được phơi khô, giá từ 180-250 ngàn đồng/kg. Vào mùa cao điểm, những buổi chợ rằm, mùng một, các hộ dân mới hái hoa sen mang ra chợ bán. Những hôm như vậy, chị Ninh bán khoảng 200 bông, thu về gần 800 ngàn đồng.

Thách thức khí hậu

Trồng sen ở Vinh Thanh là mô hình điển hình cho cách làm ăn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự cần cù, chịu khó và sáng tạo đã giúp cho Nguyễn Công Kỳ, anh nông dân chất phác sinh năm 1982, nghĩ ra mô hình trồng sen trên ruộng cạn không chủ động được nguồn nước. Thay vì trông chờ vào hệ thống thủy lợi (vốn rất hạn hẹp tại địa phương), anh Kỳ mạnh dạn đưa vào hệ thống máy bơm mang nước ngầm lên vùng trồng sen, tạo ra cách làm mới, thách thức với sự thất thường của thời tiết. “ Ý tưởng đã có từ lâu, song mãi sau này tôi mới thực hiện được. Hầu như tôi đã dốc sạch vốn vào hệ thống cấp nước này. Năm đó hạn lớn, cả vùng sen mất mùa, chỉ có đồng sen của tôi là trụ được”, anh Kỳ nhớ lại.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ 0,3 ha diện tích ban đầu năm 2014, đến nay anh Kỳ đã có trong tay 2,5 ha mặt nước hồ sen. “So với mô hình trồng sen thường, trồng sen ruộng cạn tuy mất kinh phí cho việc vận hành hệ thống máy bơm, song lại có nhiều ưu điểm, như thu hoạch củ sen dễ dàng và thuận lợi. Chúng tôi cũng không lo hạn hán (thiếu nước là điều kiêng kỵ nhất khi trồng sen). Cái lợi lớn nhất là tận  dụng được diện tích những thửa ruộng xấu, ruộng thiếu nước lâu nay vẫn bỏ hoang hoặc làm lúa một vụ kém năng suất”, anh Kỳ cho biết.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng sen của anh Kỳ, vụ mùa năm sau đồng loạt bà con trồng sen áp dụng phương pháp canh tác mới. Diện tích trồng sen được mở rộng, đời sống của bà con nông dân đi lên thấy rõ. Với sự quan tâm, tạo điều kiện vay vốn của chính quyền thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và các tổ chức đoàn thể, người dân có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất.

Chỉ vài tuần nữa, đi dọc cánh đồng Vinh Thanh bạn sẽ thấy bạt ngàn lá và màu hồng rạng rỡ của sen nở. Lý do người dân trên địa bàn xã chỉ trồng loại sen hồng được anh Rô đúc kết nhanh gọn: “Sen hồng hạt đẹp, ngon, được thị trường ưa chuộng. Sen trắng hạt nhỏ, dễ rơi khi gặp gió lớn. Sen cao sản thì được mùa, nhưng dở vị nên cũng không ai trồng”.

“Tôi mong muốn chính quyền các cấp tận dụng lợi thế nguồn sen phong phú, những hồ sen đẹp trải dài ngút tầm mắt để kết hợp với du lịch. Chúng tôi rất vinh hạnh nếu được đón tiếp các vị khách đến thưởng ngoạn, tham quan và khám phá vẻ đẹp của con người, vùng đất Vinh Thanh”, anh Kỳ hồ hởi.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn TX. Hương Thủy đã thay đổi tư duy canh tác khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sen; trong đó, mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ đã cho thấy hiệu quả khi giúp nông dân mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ
Cử tri quan tâm các chương trình xây dựng thị trấn Vinh Thanh

Ngày 13/6, tại xã Vinh An, tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII gồm ông Nguyễn Chí Tài, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, ông Lê Minh Nhân, TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, có buổi tiếp xúc cử tri các xã Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An của huyện Phú Vang.

Cử tri quan tâm các chương trình xây dựng thị trấn Vinh Thanh
Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Return to top