ClockThứ Tư, 03/10/2018 13:52

Sơn Thọ “khát” nước sạch

TTH - Từ ngày tái định cư theo chủ trương giãn dân đến nay đã 26 năm, nhưng 42 hộ ở thôn Sơn Thọ, xã Hương Thọ (TX. Hương Trà) vẫn chưa có nước sạch sinh hoạt, dù chỉ cách TP. Huế chừng 15km.

Tạo cơ chế cho nhà đầu tư triển khai xây dựng đi vào hoạt độngTăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn

Những năm đầu mới lên định cư, giếng nước của anh Lê Quang Trưởng ở thôn Sơn Thọ chỉ sâu 5 mét, việc lấy nước tương đối dễ dàng. Càng về sau, tình hình khô hạn diễn biến phức tạp nên anh Trưởng phải thuê thợ đào sâu thêm mới đủ nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho gia đình 5 người. Tuy nhiên, những năm gần đây dù đã đào sâu hàng chục mét nhưng nguồn nước vẫn nằm sâu tận đáy giếng, phải sử dụng mô tơ điện mới lấy được nước. Có thời điểm nắng hạn gay gắt giếng thường trơ đáy.

Một giếng nước ở Sơn Thọ khô cạn

“Uống nước giếng đã đành, bà con còn lo ngại, không biết có an toàn vệ sinh hay không. Việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá, thẩm định chất lượng của cơ quan chức năng cũng không thường xuyên, nhất là sau những đợt mưa lũ. Một số giếng nước có thời điểm xuất hiện phèn, không thể nấu cơm, sử dụng nước uống...”, ông Lê Quang Trưởng nan giải.

Vì không biết lấy đâu ra nước sạch, bà con đành sử dụng nước giếng từ mấy chục năm nay. Vào mùa mưa, nguồn nước tương đối dồi dào nhưng đến mùa hè thì cạn kiệt. Trồng cây gì cũng khó phát triểnvì thiếu nước tưới, nhất là trong mùa khô hạn.

Để có nước uống, tắm giặt trong mùa cạn kiệt, người dân phải đến các khe suối, hoặc mua tại thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ cách Sơn Thọ hơn 3km. Những lúc nguồn nước căng thẳng, nhất là vào mùa hè thì đàn ông, trẻ em có thể ra sông Hữu Trạch tắm; riêng với phụ nữ rất khó.

Ông Lê Văn Tuấn, Trưởng thôn Sơn Thọ đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ban ngành có biện pháp đưa nước sạch lên Sơn Thọ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hầu hết các hộ với hơn 200 nhân khẩu đều sử dụng nguồn nước giếng, song có thời điểm như cách đây hơn 10 ngày, hơn 40 cái giếng trong thôn chỉ còn vài cái có nước, còn lại đều trơ đáy. Người dân tất tả đi mua nước, lấy nước từ sông, suối về sử dụng rất vất vả. Hầu hết các hộ dân ở đây còn nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống, lo chuyện mưu sinh đã đành còn lo thêm nước sinh hoạt…

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ thông tin, chuyện thiếu nước sạch ở Sơn Thọ thì các cấp, ngành đều biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên việc đưa nước sạch vào Sơn Thọ là vấn đề quá khó, ngoài khả năng của địa phương. Công ty CP Cấp nước cũng đã từng đến khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Mới đây, UBND xã Hương Thọ cũng đã có tờ trình gửi lên cấp trên, đề nghị quan tâm hướng giải quyết cho dân.

Xã Hương Thọ là một trong những địa phương nằm trong mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của TX. Hương Trà và tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đến nay phần lớn các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế, xã hội… tại địa phương cơ bản đạt theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Trở ngại lớn nhất đối với Hương Thọ hiện nay là vấn đề nước sạch tại thôn Sơn Thọ không đảm bảo tiêu chí NTM, ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng NTM toàn xã.

Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước cho rằng, với 42 hộ, 200 nhân khẩu, lại bố trí dân cư không tập trung là rất khó khăn trong việc đưa nước sạch lên Sơn Thọ. Tính từ thôn Kim Ngọc đến Sơn Thọ, đường ống kéo dài hơn 3km và nhiều thiết bị khác đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, kinh doanh sẽ thua lỗ. “Nhà nước cần bố trí, đầu tư nguồn vốn hợp lý thì công ty sẵn sàng khảo sát, triển khai thi công xây dựng hệ thống nước sạch cho Sơn Thọ”, ông Hân đề xuất.

Theo Sở NN&PTNT, vấn đề nước sạch ở Sơn Thọ đã giao cho Chi cục Thủy lợi tỉnh xử lý, sau đó tham mưu sở có hướng giải quyết. Sở đã làm việc với các đơn vị chức năng, cũng như báo cáo UBND tỉnh liên quan hệ thống nước sạch tại Sơn Thọ nhằm có hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên trong thời điểm đang thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công nên nguồn vốn là rất khó khăn.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024
Lo chuyện nước

Gần đây, Thừa Thiên Huế đã đổi thay trên mọi lĩnh vực; trong đó các chỉ số về cuộc sống và môi trường tăng lên. Đây là một trong những chỉ số đáng tự hào của người dân địa phương khi Huế đã xanh hơn, sạch và đẹp hơn, hấp dẫn bao du khách gần xa.

Lo chuyện nước
Khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên

Chiều 30/3, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch (NMXLNS) Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm) và Trung tâm Vận hành tự động Hệ thống cấp nước.

Khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên
Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên: “Trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh

Sở hữu công nghệ hiện đại cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự án Nhà máy xử lý nước sạch (NMXLNS) Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm), sau khi hoàn thành được ví như “trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh. Dự án góp phần hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT) cho người dân trước những mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên “Trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh
Thêm nhiều hộ dân Phú Vang được sử dụng nước sạch

Công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sạch tại thôn Hà Úc 1 (xã Vinh An, huyện Phú Vang) khánh thành chiều 30/1. Công trình là l trong 5 dự án nước sạch thuộc chương trình “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương" trong năm 2023 do nhãn hàng bia Huda tổ chức.

Thêm nhiều hộ dân Phú Vang được sử dụng nước sạch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top