ClockThứ Hai, 09/03/2020 15:37

Tái cơ cấu chăn nuôi lợn - Bài 1: Thách thức

TTH - Chăn nuôi lợn đang đối mặt với những hạn chế từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, sự mất cân đối trong cơ cấu sản xuất đến những diễn biến phức tạp của dịch bệnh...

Tái cơ cấu đàn lợn trước dịch tả lợn châu PhiTái đàn an toàn và chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ

Tái cơ cấu chăn nuôi lợn là hết sức cần thiết để phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập. 

Chăn nuôi lợn cần thực hiện các giải pháp an toàn sinh học

Áp lực từ dịch bệnh

Xuất hiện tại Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi (TLCP) đã lây lan trên đàn lợn của 13.088 hộ chăn nuôi ở 173 thôn; 125 xã, phường thuộc 9 huyện, thị, thành phố với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 75.565 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 4.578 tấn. Hiện, toàn tỉnh có 113 xã, chiếm 90% tổng số xã có dịch qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Theo nhận định chung trong công tác phòng dịch của ngành nông nghiệp và các địa phương, đa phần “nạn nhân” của dịch TLCP là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với đặc điểm bố trí chuồng nuôi lợn xen lẫn trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi cao, điều kiện vệ sinh phòng bệnh kém và không bảo đảm an toàn sinh học. Điều này càng được khẳng định khi qua gần 1 năm chống dịch, những doanh nghiệp sở hữu hệ thống trại nuôi lớn, gia trại áp dụng giải pháp thực hành chăn nuôi tốt, hữu cơ, an toàn sinh học…vẫn “trụ” qua dịch còn các hộ chăn nuôi trong khu dân cư thì không.

Số liệu khảo sát đầu năm 2020 cho thấy, trong tổng số 100.000 hộ chăn nuôi toàn tỉnh có khoảng 20.000 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn lợn duy trì 137.830 con (tính cả lợn con theo mẹ). Số lượng hộ chăn nuôi lớn nhưng chỉ có 1.000 trang trại, gia trại, trong đó, 70 trang trại (27 trại lợn; 28 trại gia cầm và 15 trại nuôi cả lợn và gia cầm) với doanh thu mỗi năm/trại đạt trên 1 tỷ đồng và được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận trang trại. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lớn lại dễ bị “tổn thương” do thiên tai, dịch bệnh là gánh nặng lớn cho phát triển chung.

Ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hương Thủy chia sẻ, chăn nuôi nhỏ lẻ đang đứng trước nhiều nguy cơ bị tác động của dịch bệnh bởi tập quán “tận dụng”. Người dân tận dụng diện tích ngay trong nhà để chăn nuôi (không xây dựng chuồng trại xa khu ở); tận dụng thức ăn thừa… Các vấn đề vệ sinh tiêu độc khử trùng không được người dân quan tâm, là nguyên nhân khiến dịch ngày càng lây lan nhanh. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dù tái đàn nhưng không thể giữ được đàn lợn trước dịch bệnh.

Thiếu bền vững

Trong cơ cấu chăn nuôi hiện nay, nuôi lợn đang chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, khi dịch bệnh làm 70% tổng đàn lợn phải tiêu hủy, giá lợn tăng vượt đỉnh, cho thấy sự mất cân bằng trong chăn nuôi.

Cụ thể, đầu năm 2019, tổng đàn lợn trên địa bàn là 192.000 con, trong khi tổng đàn trâu, bò chỉ khoảng 50.000 con. Điều này cũng tương đương với cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt do Cục Chăn nuôi công bố: thịt lợn chiếm gần 71% tổng sản lượng thịt các loại, thịt gia cầm chiếm 20,4% và thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6%.

Tính bền vững trong chăn nuôi cũng đang là vấn đề khi thị trường chăn nuôi khá bấp bênh. Nếu như năm 2016-2017, giá lợn hơi chạm đáy với giá mỗi kg thịt lợn hơi chỉ 25 ngàn đồng, cả nước lại “nhao nhao” giải cứu thịt lợn thì khi dịch bệnh xảy ra, giá lợn hơi lại chạm ngưỡng, cao nhất chưa từng có của lịch sử thịt lợn với giá 1 kg lợn hơi 90 ngàn đồng. Tại các chợ, giá thịt lợn tươi ngang ngửa thịt bò.

Trong khi, công tác dự phòng bệnh và phân tích các tình huống bất lợi có thể xảy ra, cung cấp thông tin, dự báo tình hình thị trường của các sở, ngành liên quan còn hạn chế, dẫn đến việc người chăn nuôi không có thông tin chính xác thị trường, thụ động trong định hướng và chăn nuôi tự phát là chính. Khi thị trường biến động theo chiều hướng không thuận lợi thì họ không biết làm cách nào để tiêu thụ sản phẩm, chấp nhận chịu rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chia sẻ, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch chưa cao là những yếu tố bất lợi cho công tác phòng, chống và ngăn chặn dịch TLCP. Các hộ chăn nuôi cần xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Định kỳ tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Chi cục cũng tăng cường công tác đào tạo để nhân viên thú y có được nhận thức tốt và đồng bộ về các quy tắc an toàn sinh học phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Hưng, tái cơ cấu lại chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dần chăn nuôi nhỏ lẻ, mất an toàn là hướng đi tất yếu trong phát triển chăn nuôi của Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Bài 2:

Xây dựng chuỗi giá trị

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi
Trồng trọt chất lượng, chăn nuôi an toàn

Trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa tập trung, theo hướng an toàn, hữu cơ là hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trồng trọt chất lượng, chăn nuôi an toàn
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

TIN MỚI

Đồ ăn chó Thức ăn SmartHeart
Return to top