ClockThứ Hai, 27/11/2023 10:37

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao

TTH - Phát triển các loại cây trồng mũi nhọn phù hợp với đất đai, khí hậu ở mỗi địa phương, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ... là mục tiêu trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã Hương Trà theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao.

Vượt khó mới có thành côngCung ứng nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp sạchThừa Thiên Huế ưu tiên các giải pháp, mô hình kinh tế xanh

 Phát triển các loại cây trồng mũi nhọn theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao là mục tiêu trong tái cơ cấu nông nghiệp của Hương Trà

Nâng cao giá trị sản phẩm

Là một trong 3 xã vùng gò đồi của thị xã Hương Trà, Hương Bình có tiềm năng, lợi thế về phát triển các loại cây ăn quả đặc sản như bưởi da xanh, cam V2, quýt Thanh Bình… Đến nay, toàn xã đã quy hoạch và chuyển đổi được hơn 80ha, trong đó có 60ha đã cho thu hoạch. Ngoài phát triển về diện tích, xã Hương Bình còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản gắn với chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP).

Trong năm 2022, Hương Bình đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Trà triển khai thí điểm mô hình sản xuất cam V2, cam Xã Đoài, quýt Thanh Bình, thanh trà, bưởi da xanh theo hướng hữu cơ trên diện tích 2,5ha tại trang trại của hộ ông Nguyễn Bá Lộc. Quá trình thực hiện, đơn vị triển khai dự án cũng như hộ tham gia mô hình tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, kết quả các sản phẩm cam, quýt, bưởi da xanh của hộ ông Nguyễn Bá Lộc đã được cấp giấy chứng nhận VietGap, tem truy xuất nguồn gốc. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm cam, quýt, bưởi da xanh ở Hương Bình tiếp cận các thị trường tiêu thụ mới trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Bá Lộc thông tin: Riêng diện tích đang cho thu hoạch trên 2ha, với hơn 400 gốc cam trồng xen canh với quýt, mỗi năm cho sản lượng khoảng 30 - 35 tấn, gia đình ông đã có nguồn thu hơn 600 - 700 triệu đồng.

Hiện tại, trên địa bàn thị xã Hương Trà đã thực hiện thành công việc chuyển đổi gần 300ha diện tích đất trồng cây công nghiệp, trồng lúa, lạc kém hiệu quả sang các loại cây trồng mũi nhọn có giá trị kinh tế cao. Điển hình như trồng cây dược liệu tràm gió, sâm Bố Chính ở Hương Xuân, Hương Văn; mô hình sản xuất bưởi da xanh, cam, quýt, ổi ở Hương Bình, Hương Xuân, Bình Thành... Từ việc chuyển đổi cây trồng theo hướng mũi nhọn, đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Trung bình mỗi ha trồng cam, quýt, bưởi da xanh, sau khi trừ các khoản chi phí cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm.

Mở rộng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị

Ông Trần Xuân Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho biết, để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương chú trọng thực hiện các mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hằng năm với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn như Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp, Công ty Quế Lâm. Hình thành vùng sản xuất lúa VietGAP 52ha ở Hương Toàn...

Thực tế ở Hương Trà cho thấy, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dịch cơ cấu các ngành theo đúng định hướng, phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nội bộ ngành khá kịp thời, bắt kịp xu thế, đáp ứng tình hình thực tiễn sản xuất và tiêu dùng. Địa phương đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, sản phẩm mang tính hàng hóa, có thương hiệu, các mô hình liên kết trong sản xuất được triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, đánh giá về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Viết Hà nhận định, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, số lượng hàng hóa nông sản còn ít, chưa thiết lập được nhiều chuỗi giá trị về ngành hàng nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp, nên đầu ra sản phẩm thiếu tính cạnh tranh. Vì thế, Hương Trà tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hình thành và mở rộng các vùng sản xuất tập trung liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh ở các vùng trọng điểm để tập trung đầu tư, như rau màu ở Hương Xuân, Hương Chữ; cây lạc ở Hương Văn, Hương Xuân; cây ổi ở Hương Xuân, Hương Bình; thanh trà ở Hương Vân; cây ăn quả ở vùng gò đồi…

Theo ông Nguyễn Viết Hà, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cá nhân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Khuyến khích phát triển dịch vụ thu mua sản phẩm nông nghiệp; phát triển các hình thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các tổ hợp tác trong sản xuất để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong, ngoài thị xã và tham gia các kênh thông tin thị trường về sản phẩm nông nghiệp. Tích cực hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản. Tăng cường phối hợp, liên kết để mở rộng thị trường.

Cũng theo ông Hà, song hành với tái cơ cấu lĩnh vực cây trồng, địa phương phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, đa dạng vật nuôi, an toàn sinh học và bền vững; hình thành các trang trại có quy mô vừa và lớn theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đưa tỷ trọng sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng lên 31-35%.

Bài, ảnh: Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Return to top