Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây
Xu thế chung
Không khó nhận ra nhiều diện tích đất nông nghiệp hiện đang bỏ hoang hoặc được nông dân sản xuất một vụ. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, có thể là hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo, đất bị hoang hóa, nhiễm mặn hay địa phương thiếu kinh phí đầu tư…Trong nhiều nguyên do đó, vấn đề con người đang là yếu tố cốt lõi.
Hơn 1 thập kỷ trước, gần 7 sào đất cát ven biển được gia đình ông Lê Văn Lượng (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) khai hoang. Trên diện tích này, gia đình ông phát triển kinh tế bằng cách trồng khoai lang và dưa hấu. Thu nhập từ những sản phẩm nông nghiệp ấy đủ để gia đình ông trang trải cuộc sống.
Bẵng một thời gian, vùng đất ngày trước lại phủ màu dương liễu. Ông Lượng bảo, khi khai hoang và những năm đầu đưa vào gieo trồng, lực lượng lao động chủ yếu là những thành viên trong gia đình. Những năm gần đây, giá nông sản bấp bênh, con cái xa xứ mưu sinh nên diện tích đất ông đành trồng dương liễu lấy… củi.
“Dù công mỗi người làm đất 200.000 đồng/ngày song lao động cũng khan hiếm. Và dù tìm được người làm nhưng tính toán chi phí đến khi thành phẩm, thu hoạch lãi không là bao nên tôi quyết định chuyển sang trồng dương liễu”, ông Lượng chia sẻ.
Không chỉ trên diện tích trồng hoa màu hay cây trồng cạn, ngay cả trên ruộng lúa, lao động nông nghiệp cũng trở nên già hóa. Người trẻ không mặn mà làm nông, đó là thực tế không chỉ diễn ra ở Huế.
Ông Trần Văn Quang (phường Hương Long, TP. Huế) trước đây làm 5 sào ruộng, 3 năm trở lại đây, vì không có lao động nên ông Quang buộc phải chuyển nghề, diện tích ruộng lúa được ông cho một người khác cùng địa phương thuê lại.
Ông Quang nói: “Làm nông nghiệp chủ yếu tận dụng nguồn lao động trong gia đình, lấy công làm lãi, còn nếu thuê người làm thì thu nhập không đủ chi phí bỏ ra”.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, việc lao động nông nghiệp già hóa, thiếu hụt đang là xu thế chung. Chính sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ khiến lao động không mặn mà với nghề nông, nhất là lao động trẻ. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp khiến một phần sức vóc của con người đã được thay thế.
“Ngoài các yếu tố về kinh phí, hạ tầng, kỹ thuật…, tại nhiều diện tích đất bỏ hoang ở các địa phương, nguyên nhân cũng đến từ việc thiếu hụt lao động nông nghiệp. Dù cơ giới hóa đã phổ biến trên đồng ruộng, nhưng không phải tất cả đều thay thế cho con người. Ngay cả một máy gặt đập liên hợp cũng cần ít nhất 3 lao động, chưa kể khâu làm đất, vận chuyển sản phẩm…Và khi mà giá trị nông nghiệp mang lại không cao thì lao động dịch chuyển sang một ngành nghề khác là điều tất nhiên”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lê Quý Thảo chia sẻ.
Chất lượng tạo ra sự cân bằng
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đang có 412.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 300.000 ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 70.000ha, trong đó đất trồng lúa 32.000ha (lúa 2 vụ phạm vi 27.000 ha). Hiện, đất bỏ hoang 1 vụ tương đối lớn, vào khoảng 3.000 ha.
Thực tế hiện nay, việc lao động rời bỏ nông nghiệp đang là xu thế. Bởi, trong tiến trình công nghiệp hóa, sự chuyển dịch đầu tiên chính là lực lượng lao động. Lao động nông nghiệp khan hiếm không phải do sự cạnh tranh của thị trường, mà họ dịch chuyển sang các công việc khác phù hợp và hiệu quả.
Những năm gần đây, ngoài cơ giới hóa đồng ruộng, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang theo hướng công nghệ cao. Chính điều này kéo theo sự chuyển dịch về chất lượng lao động phục vụ ngành nông nghiệp. Nhiều dự án khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp thu hút đông đảo bạn trẻ, sinh viên. Họ tạo ra một “thế lực mới” trong lực lượng lao động nông nghiệp bên cạnh nguồn lao động đang bị già hóa ở khu vực nông thôn.
TS. Trịnh Thị Sen, Khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế cho rằng, chính những khó khăn về điều kiện tự nhiên khí hậu khiến con người tìm ra phương thức sản xuất nông nghiệp mới theo hướng tăng giá trị sản phẩm, tạo ra tính bền vững.
“Không phủ nhận sự thiếu hụt về lao động, song sự chuyển động về chất lượng lao động nông nghiệp thấy khá rõ trong điều kiện hiện nay. Nhiều sinh viên chọn lĩnh vực nông nghiệp khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường; hay nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao hình thành thời gian qua không những tạo ra sự đa dạng cho sản phẩm mà còn đáp ứng nhu cầu về hàm lượng chất xám trong nông nghiệp”, TS. Sen chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, lẽ dĩ nhiên, lao động nông nghiệp sút giảm một phần do tác động của điều kiện tự nhiên, thời tiết hạ tầng. Tỉnh cũng đang có một chiến lược bài bản cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
“Nhà nước hiện có nhiều chính sách về hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, hỗ trợ về mô hình, các thủ tục... để sản xuất nông nghiệp. Song, khả năng tiếp cận đất đai của những cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn khó, vấn đề này sẽ được tỉnh tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới”, ông Phương cho biết.
Bài, ảnh: LÊ THỌ