Thời điểm này, nhiều vườn hoa cúc chậu được chăm chút kỹ lưỡng để kịp nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán
Hoa cúc trồng chậu khá quen thuộc, được người dân Huế chọn trồng để đưa ra thị trường mỗi khi tết đến xuân về. Vùng trồng hoa cúc chậu nhiều và có tiếng của Huế có thể kể đến là Thủy Vân, Thủy Thanh (Hương Thủy), Phú Mậu, Phú Thượng (Phú Vang), Vĩ Dạ (TP. Huế)…
Để có được những chậu hoa ngập sắc vàng cho người chơi hoa tết, ít ai hiểu rằng người trồng phải trải qua 6 tháng thăng trầm, lo toan trước diễn biến thời tiết thất thường. Khác với mọi năm, nông dân trồng hoa cho biết năm này thời tiết khá thuận lợi, thay vào đó tăng cường tưới nước nên hoa cúc phát triển khá tốt, không có dịch bệnh. Thời điểm này, hoa đang ở giai đoạn tháng thứ 4, chuẩn bị cho nụ nên việc chăm bón vô cùng kỹ lưỡng, người trồng có mặt ở vườn gần như từ sáng đến tối.
Cặm cụi cắm vè cho hơn 400 cặp hoa cúc, ông Nguyễn Văn Lớn ở vùng hoa Thủy Vân (Hương Thủy) hớn hở khi trông chờ vào một vụ hoa tết thành công. Theo kinh nghiệm gần chục năm trồng hoa cúc của ông Lớn, thời tiết năm nay thuận lợi nhất so với mọi năm, hoa phát triển tốt, ít sâu bệnh, chỉ hơi mất công cho việc tưới nước. “Năm trước tôi cũng trồng chừng ấy nhưng chỉ lãi chưa đến 30 triệu vì dịch bệnh triền miên. Nhưng năm nay thời tiết tốt hơn nhiều, nếu không có gì thay đổi, hy vọng sẽ bội thu”, ông Lớn khấp khởi.
Cũng giống như ông Lớn, nhiều người trồng hoa cúc bảo rằng, vùng trồng hoa phía trong nổi tiếng như Bình Định thời tiết năm nay khắc nghiệt, bão lụt tập trung đổ dồn về đó vì thế mất mùa hoa, thành ra người dân Huế có thể trông chờ một mùa hoa được giá.
Cách vườn ông Lớn hơn 500m, vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Thành với 1.000 chậu hoa phủ một mảng xanh tươi tốt khiến nhiều người đi ngang phải trầm trồ. Để kịp cho vụ hoa tết, ông Thành cùng vợ, hai người con trai và cùng nhiều nhân công khác đang miệt mài công đoạn cắm vè, đỡ những cành hoa đứng thẳng trước khi cho nụ. Ông Thành nói rằng, chỉ còn phải thắp điện để hãm nở một vài hôm, sau đó sẽ để cho hoa nở nụ tự nhiên, và cho hoa vừa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Nhưng theo ông Thành, công đoạn vất vả nữa đó là mỗi chậu hoa nở rất nhiều nụ vì thế phải mất công để tỉa từng nụ nhỏ trên mỗi cành, chừa nụ chính trên đọt. Với thời tiết ổn định cùng với sự chăm sóc kỹ lưỡng như năm nay, ông Thành hy vọng sẽ có mùa bội thu sau khi trừ tất cả chi phí ước tính 80 – 100 triệu đồng. “Nhưng không ai nói trước được điều chi. Tụi tui cứ cầu trời, cầu đất, mong cho một mùa hoa thành công để đón tết sung túc”, người nông dân chân lấm tay bùn mong mỏi.
Người trồng hoa ai cũng bảo rằng, khó nói trước được điều gì, tất cả vẫn tiếp tục trông trời. Nhưng với thời tiết được xem là thuận lợi như năm nay, họ vẫn đang nguyện cầu, hy vọng sẽ cung ứng đủ cho thị trường hoa tết những chậu hoa đẹp nhất có thể, và quan trọng hơn là có được trúng vụ sau những ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất.
Những hình ảnh người dân tất bật với vụ hoa Tết được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:
Khác với mọi năm, năm nay thời tiết ít mưa nên người trồng tăng cường tưới nước. Tuy nhiên theo họ, thời tiết cơ bản thuận lợi, khả năng bội thu hoa tết
Việc cắm vè cho từng chậu hoa giúp mỗi cây hoa đứng vững, phát triển tốt, cho dáng hoa đẹp
Nhiều chậu hoa ở vùng hoa Thủy Vân (Hương Thủy) sau khi được nông dân cắm vè xong, di chuyển đến nơi cao ráo
Thời gian gần đây, một số hộ dân áp dụng việc phủ lưới cho hoa
Khung cảnh một vườn hoa ở Thủy Vân nhìn từ trên cao với màu xanh tươi tốt
Cùng với các công đoạn chăm bón, việc bơm thuốc để ngăn chặn các loại dịch bệnh vô cùng quan trọng vào lúc này
Dù được xem thời tiết thuận lợi nhưng thi thoảng vẫn có vài chậu hoa bị úng nước, dẫn đến hư hỏng buộc người dân phải nhổ bỏ đi
Người dân trồng hoa ở ít thì vài trăm chậu, nhiều có người lên để hơn ngàn chậu. Mỗi vụ hoa Tết được xem như một cú đánh cược
Để kịp cho hoa ra đúng dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân phải thức đêm, dọi đèn chăm hoa
Một góc vườn hoa sáng đèn về đêm. Chỉ còn một vài hôm nữa, việc thắp sáng sẽ dừng lại, để hoa nở tự nhiên
PHAN THÀNH (thực hiện)