ClockThứ Năm, 30/11/2023 14:03

Thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế

TTH - Với mục tiêu giúp hội viên nông dân (HVND) thoát nghèo bền vững, thời gian qua Hội Nông dân TP. Huế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp hội viên thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế, trở thành “cầu nối” giúp nhiều nông dân tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD).

Mở rộng diện tích lúa chất lượngThanh niên hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên nền tảng sốHiệu quả từ mô hình kinh tế tập thểLợi ích từ trồng mây ở Nam ĐôngHỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Mô hình trồng rau màu của các hội viên nông dân phường Kim Long cho hiệu quả kinh tế và thu nhập cao 

Là địa phương nằm gần trung tâm thành phố, khá thuận lợi trong việc phát triển SXKD và triển khai các mô hình kinh tế nên thời gian qua Hội Nông dân phường Kim Long đã tích cực tuyên truyền, vận động hỗ trợ các hội viên thi đua đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế thành công, góp phần giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong đó, mô hình trồng các loại rau màu được nhiều HVND triển khai và cho thu nhập khá, giải quyết việc làm cho nhiều hội viên. Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Tùy và bà Trần Thị Thưởng, hội viên Chi hội 2 có hơn 5 sào đất, với diện tích này hàng năm gia đình ông Tùy chủ yếu trồng các loại rau màu ngắn ngày như cải, xà lách, tần ô, rau khoai... nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ông Tùy chia sẻ: “Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ rau màu của người dân rất lớn, giá bán cao hơn so với ngày thường nên bà con nông dân tập trung canh tác để phục vụ người dân. Tuy nhiên, vụ rau tết thường gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa rét kéo dài, song nhờ được tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc nên hiện toàn bộ diện tích rau màu của gia đình phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Trong đó, để rau màu ít hư hỏng và tiết giảm chi phí, gia đình đã tự ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt… để bón nên rau màu vừa cho năng suất cao, vừa an toàn sức khỏe cho bà con”.

Cùng với gia đình ông Tùy, hiện nhiều HVND phường Kim Long tích cực ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, đồng thời tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi như: rơm, rạ, thân cây chuối, ngô, đậu, lạc, rác thải hữu cơ sinh hoạt… để làm phân hữu cơ vi sinh dùng thay thế cho phân chuồng và phân hóa học. Phương pháp này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày, mà còn giúp người nông dân tiết kiệm chi phí mua phân bón, vừa giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng, từ đó nguồn thu nhập cũng tăng theo.

Thời gian qua, Hội Nông dân TP. Huế đã tổ chức cho các hội viên học tập kinh nghiệm SXKD về chăn nuôi, trồng trọt, phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới và các địa phương tại tỉnh Quảng Bình. Một số đơn vị áp dụng xây dựng được các mô hình có hiệu quả sau khi đi học tập kinh nghiệm, như: An Đông, Xuân Phú, An Hòa, Kim Long, Thủy Biều với các mô hình trồng sen lấy hạt, nuôi cá kết hợp với dịch vụ tham quan, chụp ảnh kỷ niệm; Hội Nông dân Hương Phong, An Đông với mô hình nuôi ốc bươu đen, nuôi lươn không bùn và bước đầu đem lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP. Huế, thời gian tới Hội tiếp tục triển khai phân vùng không gian sản xuất theo hướng bền vững, trong đó lựa chọn, lập kế hoạch sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và liên kết chuỗi giá trị theo các vùng sinh thái, như: sản xuất các cây trồng chủ lực bao gồm lúa, rau ăn lá, bưởi, thanh trà, chè, sen theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; mô hình nuôi cua trứng tại xã Hương Phong; nuôi lươn thâm canh không bùn trong tại các xã/phường vùng ven thành phố. Đồng thời, hình thành các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển làng nghề như: hoa giấy Thanh Tiên, tranh vẽ làng Sình; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để giới thiệu, quảng bá sản phẩm góp phần giúp HVND trên địa bàn phát triển kinh tế và cho thu nhập ngày càng cao.

Bài, ảnh: Ngọc Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top