Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định (bìa phải) thăm làng nghề đan đát Bao La
Doanh nghiệp thành lập mới được nhiều hỗ trợ
Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua hơn 1 năm thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), nhiều hạng mục hỗ trợ triển khai hiệu quả và được cộng đồng DN đánh giá cao. Điều này được thể hiện qua việc hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ DN doanh nhân với gần 3.000 lượt DN; hỗ trợ tiêu thụ, kết nối thị trường với hơn 200 lượt DN; hỗ trợ sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ với hơn 170 lượt DN;... Tổng kinh phí hỗ trợ đến nay đạt 4.238 tỷ đồng với 3.513 lượt DN nhận được hỗ trợ.
Tuy nhiên, những DN thành lập mới trong giai đoạn hiện nay phát sinh thêm một số chi phí. Do đó, theo ý kiến thảo luận của các đại biểu, việc xây dựng chính sách nhằm đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN các chi phí ban đầu về chữ ký số, hóa đơn điện tử, thuê kế toán, góp phần giúp các DN mới thành lập giảm chi phí gia nhập thị trường, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, thúc đẩy phát triển DN là rất cần thiết.
Nếu như Nghị quyết này thông qua, các nội dung hỗ trợ gồm: các DN mới thành lập được tỉnh hỗ trợ 100% chi phí sử dụng chữ ký số công cộng cho năm đầu tiên với mức 1,5 triệu đồng/DN; hỗ trợ chi phí sử dụng hóa đơn điện tử cho lần đăng ký sử dụng đầu tiên với mức 1,5 triệu đồng/DN; các DN siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh được tỉnh hỗ trợ 100% chi phí thuê kế toán trong 2 năm đầu, nhưng tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng/DN; ngoài ra, các phương án, dự án sản xuất sản phẩm cũng được hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu. Thời gian hỗ trợ 5 năm đầu kể từ ngày thành lập; định mức hỗ trợ 100% lãi suất vay nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/năm. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ giai đoạn đến năm 2025 là gần 50 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung, mục tiêu của việc ban hành chính sách hỗ trợ DNVVN thành lập mới nhằm thúc đẩy phát triển DN; thúc đẩy DN ứng dụng chữ ký số, sử dụng hóa đơn điện tử; góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả.
Tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo kết nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm mô hình nuôi cấy lan ở Lâm trường Tiền Phong
Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Sỹ Nguyên cho biết, thời gian qua, một số HTX đã liên kết với các DN sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ, mô hình chăn nuôi mới, nông dân được tiếp cận kỹ thuật mới, sản phẩm được cung ứng ra trên thị trường thông qua các DN. Tuy nhiên, số lượng HTX tham gia liên kết sản xuất với các DN chưa nhiều, mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích. Nguyên nhân do ít DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhiều HTX chưa thật sự đổi mới để vươn lên. Do đó, cần có một chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ với mục đích thúc đẩy DN, HTX, thành viên HTX, nông dân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo kết nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững. Qua đó, giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tình trạng sản xuất được mùa mất giá. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Phát triển liên doanh, liên kết theo hướng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, lợi thế của từng lĩnh vực đã được phê duyệt
Theo đó, chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, không quá 300 triệu đồng. DN, HTX còn được hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết với 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, bảo quản, chế biến; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết với mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng. Chính sách này cũng hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; các dự án, kế hoạch ứng dụng công nghệ cao; bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ giống, vật tư, thiết kế bao bì sản phẩm qua dịch vụ tập trung của HTX.
180 tỷ đồng hỗ trợ thủy lợi
Theo Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2035, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ cho hoạt động này là 180 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tối đa 70% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công đối với đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước ở địa bàn các xã khó khăn, mức hỗ trợ tối đa không quá 85 triệu đồng/công trình. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng cống nội đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương; hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện...
|
Bài, ảnh: Thái Bình