Đây là hoạt động góp phần xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ mua bán các đặc sản địa phương nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ở huyện miền núi này.
Đặc sản của địa phương rất được du khách ưa chuộng. Ảnh: Minh Nguyên
Phong phú sản vật
Tự tay lựa chọn những củ, quả, rau tươi đang bày bán tại quầy hàng của phiên chợ, anh Hồ Văn Lô ở thị trấn A Lưới chia sẻ: “Các sản phẩm này được bà con sản xuất theo quy trình hữu cơ nên mua rất yên tâm về chất lượng sản phẩm. Giá cả cũng hợp lý vì vậy được nhiều người lựa chọn”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ nhân gian hàng nông sản an toàn, đến từ xã A Ngo (A Lưới) giới thiệu thêm, tất cả sản phẩm đều được thu mua từ các cơ sở sản xuất rau an toàn ở thị trấn A Lưới và các xã Sơn Thủy, A Ngo, Hồng Thủy… Các hộ sản xuất cung ứng sản phẩm với thu nhập bình quân 250 ngàn đồng/ngày/vườn, có hộ đạt 500 – 600 ngàn đồng/ngày, nhờ đó đã nâng cao thu nhập lên rất nhiều.
Gian hàng gạo, nếp, các loại thịt đặc sản… là nơi thu hút khách hàng nhiều hơn cả. Nhiều “thượng đế” đặc biệt ưa thích hai sản phẩm đặc trưng của A Lưới đó là thịt bò và gạo Ra dư do đồng bào sản xuất. Thịt bò được bà con bày bán phong phú với các loại như thịt tươi, bò khô một nắng, thịt bò khô tẩm gia vị… Anh Đoàn Văn Hùng đến từ TP. Huế cho biết, đã nhiều năm nay, mỗi lần lên A Lưới anh đều tìm mua các sản phẩm đặc sản của đồng bào, nhất là trong dịp diễn ra phiên chợ thế này. Bởi theo anh, sản vật ở đây rất phong phú. Gạo Ra dư có hương vị đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng. Thịt bò A Lưới thường có mùi thơm, ngọt và mềm, khiến người ăn ưa thích. Do đó, không chỉ mua đủ cho gia đình dùng, lần này anh Hùng mua khá nhiều 2 loại đặc sản này để làm quà cho người thân, bạn bè dưới xuôi.
Thực phẩm sạch được nhiều người lựa chọn tại phiên chợ. Ảnh: Bá Trí
Hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa
Với nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ, trong đó hoạt động phiên chợ vùng cao được tổ chức định kỳ hằng quý là một động thái tích cực, A Lưới đang mở hướng phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho nông dân. Các mô hình sản xuất chuối hàng hóa, rau an toàn, thịt bò, gạo và nếp đặc sản… đang tạo hướng phát triển mới ở địa phương.
Khác với trước đây, với trên 20 gian hàng tại phiên chợ, bên cạnh các sản phẩm hàng hóa thực phẩm chất lượng cao, các gian về phía hai bên được dành cho các nghệ nhân trưng bày, giới thiệu các sản phẩm vật dụng nghề đan lát, nông cụ truyền thống.
|
Ngoài những mô hình rau, củ, quả sạch ở các xã Hồng Thủy, Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Vân…, chuối già lùn A Lưới qua việc giới thiệu, quảng bá từ các phiên chợ vùng cao trước đây, nay đã trở thành sản phẩm có thương hiệu được lên kệ tại siêu thị BigC Huế. Đây là sản phẩm thuộc dự án sinh kế cộng đồng ở A Lưới đã được đảm bảo đầu ra cho bà con.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nhờ sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, đến nay, tổng diện tích cây chuối hàng hóa của A Lưới đạt 395ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 280 tạ/ha, sản lượng trên 11 ngàn tấn, giá bán bình quân 3-5 ngàn đồng/kg, người trồng đã có tổng giá trị đạt trên 33 tỷ đồng mỗi năm.
Thực hiện đề án phát triển đàn bò, toàn huyện đã có 165 hộ ở các xã, thị trấn đăng ký tham gia, với số lượng đàn bò toàn huyện phát triển lên gần 1.200 con, được nuôi theo đúng quy trình. Huyện cũng đã tạo điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, dịch vụ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm thịt bò cho bà con. Trạm khuyến Nông – Lâm – Ngư huyện triển khai thử nghiệm chuyển trồng lúa Ra dư từ vùng đồi xuống ruộng nước để mở rộng diện tích. Đến nay, tổng diện tích loại lúa đặc sản này bà con đưa vào gieo cấy đạt gần 200ha. Do gạo Ra dư thơm ngon, giá từ 80 – 100 nghìn đồng/kg, có giá trị kinh tế cao nên được thị trường ưa chuộng. Huyện A Lưới đang thực hiện dự án phục tráng giống lúa Ra dư để cải thiện năng suất, mở ra hướng phát triển mới về loại gạo đặc sản cho các địa phương.
“UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm an toàn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất. Trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con nông dân đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sản phẩm từ phía nhà thu mua, giúp giữ cam kết về hỗ trợ tiêu thụ lâu dài các sản phẩm nông sản của vùng cao A Lưới” - ông Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng.
A Lưới hiện đang kêu gọi đầu tư vào các dự án nuôi và phát triển đàn bò tại địa phương với quy mô hơn 20 ha; trồng cây dược liệu tại xã Hương Phong, quy mô khoảng 20 ha; vùng chuyên canh rau, cũ, quả cao cấp, quy mô ban đầu khoảng 10 – 20 ha…
Bá Trí