Trước tình hình này, thỏa thuận Paris COP 21 đặt ra mục tiêu đảm bảo sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ nay đến năm 2100 ở mức dưới 2 độ C bằng biện pháp giảm sản xuất và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch (than, dầu khí), nguyên nhân phát ra 2/3 lượng khí nhà kính CO2 và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo như: gió, mặt trời, sinh khối (gỗ, củi, rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp...) và đẩy mạng sử dụng hiệu quả năng lượng.
Nhiều giải pháp xây dựng thành phố xanh được TP. Huế thực hiện, trong đó có việc thu gom xử lý bèo, rác
Theo tổ chức WWF, hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố và những cư dân sống ở đây chiếm hơn 70% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Thực trạng đô thị hoá cũng đang diễn ra nhanh chóng, với sự đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng mỗi năm và việc tiêu tốn năng lượng, lệ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch cũng không hề giảm. Vì thế, việc xây dựng đô thị phát triển bền vững và sống thân thiện với môi trường đang là xu hướng lựa chọn tiến bộ của con người. Trong đó, chương trình "Triệu ngôi nhà xanh", thành phố xanh là giải pháp hữu ích để hướng đến sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.
Những năm qua, TP. Huế được nhiều giải thưởng vinh danh: Thành phố Xanh, thành phố văn hoá ASEAN, thành phố sạch của ASEAN... Để có và duy trì những danh hiệu này, Huế triển khai thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu sang du lịch - dịch vụ, hạn chế và loại trừ các loại hình sản xuất phát thải gây ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh trồng cây xanh và phát triển các mảng xanh đô thị. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh, ưu tiên bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và cải tạo cảnh quan môi trường đô thị. Chú trọng đến các yếu tố thích ứng với BĐKH, khuyến khích phát triển các dự án tác động thấp, giảm lũ lụt, tăng khả năng ứng phó với BĐKH.
Ngoài huy động các nguồn lực, kêu gọi các dự án hỗ trợ về lắp đặt, thay thế sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo, đèn led tiết kiệm điện năng trong trường học, trên đường phố, TP. Huế đã và đang đầu tư thay thế dần hệ thống chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng trên toàn địa bàn. Để đảm bảo về môi trường, thành phố đã xây dựng theo quy hoạch các khu xử lý chất thải ở vùng ngoại vi, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu nước mưa cho khu vực phía Nam TP. Huế, nâng cao công tác giám sát chất lượng nước.
Cùng chung mục tiêu giảm thải gây hiệu ứng nhà kính, làm gia tăng BĐKH toàn cầu, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cùng với nhiều thành viên khác trong Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) khởi xướng chương trình "Triệu ngôi nhà xanh". Chương trình này nhằm hướng tới mục tiêu vào năm 2030 đạt 1 triệu ngôi nhà và toà nhà áp dụng các giải pháp xanh. Các giải pháp được áp dụng trong chương trình như: điện mặt trời, bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn led, biogas và một số giải pháp xanh khác: xử lý rác, thu và tái sử dụng nước mưa.
Chương trình "Triệu ngôi nhà xanh" được chia làm 3 lộ trình, trong đó, giai đoạn 2020-2022, sẽ có ít nhất 5 dự án thí điểm điện mặt trời mái nhà tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, An Giang, Đắk Lắk...; triển khai chương trình ưu đãi của VCCA cho giải pháp bình nước nóng năng lượng mặt trời tới cộng đồng từ Thừa Thiên Huế trở ra các tỉnh phía Bắc; hỗ trợ dự án điện mặt trời ở các khu vực chưa có điện, thiếu điện.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên