Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì hội nghị cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị
Đối diện với khó khăn
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2019 ngành nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) ước đạt 41,3 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ nông sản trong 2 tháng đầu năm 2020 mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8 % so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bước sang năm 2020 ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Những tháng còn lại, toàn ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất NLTS nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Theo đó, cần sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.
Khảo nghiệm nhiều giống lúa mới, đưa khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất
Với những dự báo về thời tiết, dịch bệnh, dự kiến diện tích lúa cả nước đạt 7,3 triệu ha, năng suất bình quân đạt 59,3 tạ ha và sản lượng đạt 43,3 triệu tấn; với kết quả chăn nuôi 2 tháng đầu năm, kế hoạch SXKD năm 2020 của các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, dự kiến tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019; mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19, năm 2020 phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2029. Năm 2020 mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa NLTS đạt 42 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để thúc đẩy phát triển sản xuất NLTS cần cơ cấu lại SXNN theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả.
Về thị trường tiêu thụ và thúc đẩy sản xuất cần hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng NLTS, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu NLTS nhằm từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất khẩu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy nông nghiệp chế biến. Tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường.
Sản xuất, tiêu thụ ổn định
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì hội nghị
Theo Sở NN&PTNT, diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 đã gieo cấy 28.667 ha, đạt 100% kế hoạch. Diện tích cây ăn quả có múi hiện 1.462,5 ha. Tổng đàn trâu, bò hiện có khoảng 41.000 con, đàn gia cầm gần 4 triệu con, tăng 31.4%.
Chăn nuôi gà gặp khá nhiều thuận lợi nhờ giá thịt gà hơi giữ mức ổn định, dịch bệnh không xảy ra, đã khuyến khích người chăn nuôi mở rộng quy mô đàn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 293 ha, sản lượng ước đạt 954 tấn, tăng 8,2%.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp của tỉnh, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, có ảnh hưởng tiêu cực ở một số sản phẩm do sức mua giảm như thịt gà, thịt bò, tôm nuôi trên cát vụ đông; phần lớn các sản phẩm nông sản, thủy sản tỉnh chủ yếu tiêu thụ nội địa nên ít bị tác động tiêu cực, ứ đọng hàng hóa xuất khẩu do dịch Covid-19 gây ra.
Trên địa bàn tỉnh có 3 công ty xuất khẩu thủy sản, thị trường chủ yếu EU, Nhật Bản, Argentina nên không ảnh hưởng lớn đến việc thông quan tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc. Hiện nay, các hoạt động mua bán động vật hoang dã có nguồn gốc gây nuôi hợp pháp đang bị đình chỉ. Các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, theo mô hình gia đình nên mức độ thiệt hại không lớn. Các cơ sở chăn nuôi này chưa xuất hiện dịch bệnh về hô hấp.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các giải pháp ứng phó của ngành nông nghiệp thời gian tới với dịch bệnh Covid-19 cần thực hiện tốt công tác quản lý động vật hoang dã để chủ động, phòng, chống, loại trừ các tác nhân có thể gây dịch bệnh từ động vật hoang dã; tăng cường tuyền truyền các chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến các doanh nghiệp, HTX, góp phần tạo động lực cho các đơn vị, cá nhân này trong bối cảnh thị trường nông sản đang bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19; thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất và lưu thông nông sản tại địa phương, để không ứ động cục bộ, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dung.
Theo Sở NN&PTNT, bệnh khảm lá sắn đang diễn ra trên địa bàn các huyện, thị Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền với diện tích 1.492 ha. Trong đó, có 736 ha bị mất trắng. Nguyên nhân được xác định người dân sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh hoặc đang ủ bệnh từ vụ trước. Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương huy động lực lượng nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy. Đối với các địa phương chưa phát hiện bệnh cần thường xuyên theo dõi kiểm tra rà soát diện tích trồng sắn để khoanh vùng dập dịch; các diện tích chưa gieo trồng cần tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt nguồn giống và trang bị kỹ năng nhận dạng triệu chứng bệnh cho nông dân. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên