Cụ Nguyễn Đắc Chương trước cánh đồng gạo de xưa
Mới đây trong lúc đi tìm tư liệu về gạo de An Cựu thì chúng tôi phát hiện được một sơ đồ địa chính viết về đất kỳ tại (đất ruộng làng Dương Xuân Thượng nhưng tọa lạc trên đất làng An Cựu) nơi có ruộng de An Cựu. Tư liệu do cụ Lê Vân ở phường Thủy Xuân, TP. Huế cung cấp. Bản viết tay ghi số đất ruộng được viết trên một tờ giấy carô khổ 20x30,5cm đã ố vàng. Cụ Lê Vân cho biết, đây là hồ sơ điền địa (nay gọi là địa chính) của xã Thủy Xuân trước năm 1975 do thân sinh của cụ lúc đó làm trưởng ban điền địa lưu giữ. Nhìn vào bản vẽ giải thửa thì ruộng kỳ tại làng Dương Xuân Thượng có ghi 5 thửa đất gồm có 2 mẫu 6 sào 1 thước 3 tấc bên cạnh ruộng de An Cựu tại Cồn Miệu (Cồn Miếu) xứ Bàu Ben (Bàu Bến). Trong một tư liệu của phường An Đông cho biết, Cồn Miếu gồm có 415 thửa trong đó có xứ Bàu Bến nơi có ruộng de An Cựu. Anh Trần Thế, nông dân phường An Đông (trước là An Cựu cũ) thật thà nói: “Tôi sinh năm 1958, làm ruộng lúc 14 tuổi. Gia đình là nông dân gốc làng An Cựu xưa”. Đứng trên thửa ruộng, anh Thế nói tiếp: “Trên thửa đất này, trước đây năm 1972 chuyên cấy giống lúa de. Nhưng từ năm 1973 gia đình tôi không còn cấy giống lúa de nữa vì năng suất thấp, chỉ đạt 10 thùng/sào; thay vào đó chúng tôi cấy giống lúa khác đạt năng suất cao hơn nên giống lúa de mất dần từ đó”.
Ngoài khu vực xứ Cồn Miếu qua tư liệu thì trên cánh đồng An Cựu xưa còn có ruộng “hương canh” mà theo bác Nguyễn Đăng Chỉ, nông dân phường An Đông cho biết một câu ca dao có liên quan đến gạo de An Cựu: “Mẹ già (ăn) tấm gạo de. Đẻ con tóc quắn đi ve cùng làng”. Bác Chỉ giải thích chữ “đẻ” của tiếng Huế là sinh ra; còn đi ve là “tán gái”. Nói xong bác Chỉ và tôi cùng cười. Sau đó bác Chỉ giới thiệu tôi đến gặp cụ Nguyễn Đắc Chương để biết rõ về ruộng “hương canh”.
Bản vẽ giải thửa xứ Cồn Miếu-nơi có ruộng gạo de An Cựu
Tôi chạy xe honda, đằng sau chở cụ Chương đi tìm ruộng “hương canh”. Gió nắng rát mặt quên cả trưa hè trút nắng. Cụ Chương nói tôi dừng xe rồi chỉ tay về phía cánh đồng An Cựu (nay thuộc phường An Đông) nói: “Theo địa bộ xã An Cựu thì cánh đồng này thuộc thôn Nhì Đông chuyên cấy lúa de gọi là “Hương canh điền thập mẫu”(10 mẫu ruộng hương canh). Bao quanh cánh đồng này có trồng trụ đá làm giới hạn”. Tra cứu sách Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức có chép: “Lúa thơm tục gọi là lúa de, thân lúa cứng, bông lúa dày, hạt thóc hơi dài, gạo rất trắng, nấu cơm rất thơm mềm; lại có một loại tục gọi de trắng, hạt thóc hơi vàng, gạo trắng và thơm, tháng 10 cấy, tháng 3 chín, ưa ruộng thấp các tỉnh đều có, nhưng chỉ có lúa sản ở xã An Cựu, huyện Hương Thủy là hơn cả, cũng gọi là “lúa hương An Cựu” hàng năm phải cống và “Loại lúa canh, tục gọi lúa tẻ, bản thảo chép rằng ít nhựa không dính là gọi là “canh” (Đại Nam nhất thống chí, tập Bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tr.250-251).
Niềm vui của T/g Hồ Vĩnh khi phát hiện trụ đá "Hương canh điền thập mẫu"
Vừa qua, chúng tôi tìm thấy hai trụ đá cổ tại một nhà dân ở phường An Cựu cất giữ. Trụ đá cao 1,02m, rộng 0,27m, dày 0,15m, chất liệu bằng đá thanh. Mặt trước có khắc chìm chữ Hán “Hương canh điền thập mẫu" (10 mẫu ruộng hương canh). Việc tìm thấy được trụ đá cổ đã minh chứng cho biết trước đây trên cánh đồng An Cựu có 10 mẫu ruộng hương canh chuyên cấy giống lúa de.
Được biết Viện lúa Quốc tế (IRRI) tại Philippines hiện còn lưu giữ giống lúa de này.
Hồ Vĩnh