Sáng 14/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Trong đó, có 612 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.
Toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào bờ tránh trú an toàn.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến nay tàu thuyền toàn tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn. Các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như Cảng cá Thuận An, Tư Hiền, các khu neo đậu Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên đủ phục vụ neo đậu cho các phương tiện tàu thuyền. Các địa phương cũng đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú khi thời tiết xấu.
Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.
Theo các kịch bản mới nhất của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, các chuyên gia đầu ngành nhận định tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những tỉnh tâm điểm của đợt mưa lớn lần này, kéo dài từ ngày 14/10 đến ngày 16/10. Tổng lượng 500-700mm, có nơi trên 800mm (tương đương với mưa Nam Đông -Phú Lộc đợt vừa qua) thậm chí có nơi 1.000mm.
Để ứng phó đợt mưa lớn, tăng dung tích phòng lũ, những ngày qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có lệnh vận hành các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện tăng cường phát điện qua tuabin, qua tràn để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng, đón lũ.
Có 10 hồ thuỷ lợi nước đang qua tràn (toàn bộ các hồ chứa nước thủy lợi có cửa van trên địa bàn tỉnh đều mở hoàn toàn cửa van để tràn tự do từ 19/9/2022 đến nay); 13 hồ thuỷ điện đang tăng lượng xả, chạy máy.
Mực nước sông Bồ, sông Hương lúc 5 giờ sáng nay (14/10) vẫn dưới báo động II.
Tin, ảnh: Hà Nguyên