Người dân vớt tôm chết
Tôm nuôi trên cát vụ này được xem là vụ chính trong năm. Điều kiện thời tiết mát mẻ, tôm thường sinh trưởng tốt, cho thu hoạch vào dịp trước, trong hoặc sau tết nguyên đán. Người dân nuôi vụ này thường có lãi, thậm chí lãi lớn nhưng đòi hỏi phải vượt qua khó khăn, thách thức trước những đợt mưa lớn, kéo dài.
Ông Võ Thanh ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) cũng như hàng trăm hộ dân ở Ngũ Điền thả giống hơn một tháng, trong điều kiện thời tiết những ngày đầu rất thuận lợi, tôm phát triển tốt. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn liên tục thời gian qua khiến tôm nuôi tại 2 hồ của ông Thanh cũng như nhiều ao hồ trên cát ven biển các xã Phong Hải, Điền Hoà, Điền Lộc… chết hàng loạt, trong đó nặng nhất là xã Phong Hải.
Từ đầu vụ, người dân triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, môi trường ao nuôi để điều chỉnh, xử lý phù hợp. Mưa lớn liên tục, môi trường thay đổi đột ngột, khó lường nên tôm không kịp thích nghi. Ông Thanh nhẩm tính, với 2 hồ nuôi 3.000m2/hồ, chí phí con giống, thức ăn, thuốc men, công chăm sóc… hơn một tháng ước trên 500 triệu đồng, tương ứng với giá trị thiệt hại khi số tôm nuôi chết hoàn toàn.
Ông Nguyễn Thơ ở xã Phong Hải chia sẻ, môi trường trong ao nuôi vụ này diễn biến phức tạp hơn so với nhiều vụ trước cùng thời điểm. Các biện pháp ứng phó, xử lý được người dân triển khai như mọi năm nhưng nguồn nước vẫn bị ô nhiễm. Hai ao hồ nuôi tôm chân trắng hơn một tháng tuổi của ông Thơ cũng bị chết hoàn toàn, thiệt hại ước 500 triệu đồng.
Theo ông Thơ, khu vực nuôi tại thôn Hải Thế có nhiều ao tôm bị chết. Điển hình có nhóm hộ nuôi đến 16 hồ bị chết hoàn toàn, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Các hộ đang tập trung xử lý môi trường, nguồn nước, chuẩn bị tái thả nuôi để kịp thu hoạch dịp trước, trong và sau tết; vì thời điểm này thị trường tiêu thụ tôm khá mạnh, giá tôm thường cao hơn so với thời điểm khác.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thông tin, bước đầu xác định có đến 60% ao hồ nuôi tôm khoảng một tháng tuổi trên địa bàn xã bị chết. Địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê cụ thể diện tích ao hồ bị thiệt hại, đồng thời hỗ trợ hoá chất, hướng dẫn người dân tổ chức các biện pháp tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường để tái thả nuôi.
Cán bộ thuỷ sản kiểm tra môi trường ao nuôi tôm trên cát Ngũ Điền
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, có đến 50% diện tích ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Ngũ Điền bị chết, cho thấy môi trường vụ nuôi này khá phức tạp, khó lường. Ngành thuỷ sản cùng với các địa phương tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp nuôi tôm an toàn trong thời gian đến. Theo đó tập trung hướng dẫn và khuyến cáo các hộ nuôi theo dõi sát sao yếu tố môi trường, nguồn nước trước, trong và sau mưa lũ để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo tôm thích ứng và sinh trưởng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh nhận định, các đợt mưa lớn trên diện rộng, dài ngày làm môi trường nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, đầm phá có sự thay đổi lớn, chỉ tiêu độ mặn đều ở ngưỡng thấp. Quan trắc tại các xã Quảng Công, thị trấn Sịa (Quảng Điền), Hải Dương, Hương Phong, phường Thuận An (TP. Huế), độ mặn dao động ở mức dưới ngưỡng giới hạn cho phép là yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thủy sản nuôi nước lợ, mặn.
Tôm nuôi bị chết tại xã Phong Hải có dấu hiệu đen mang, là một trong những loại dịch bệnh. Ngoài yếu tố môi trường thay đổi, nguyên nhân tôm chết được nhận định một phần do việc xả nước trong ao có tôm chết trực tiếp ra bên ngoài môi trường, có thể làm lây lan bệnh và gây ô nhiễm môi trường cục bộ. Chi cục Thuỷ sản yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả thải của người dân, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong giữ gìn môi trường chung.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, với những nơi quan trắc có mật độ coliform trong nguồn nước cao hơn 2,7 lần, độ kiềm thấp hơn giới hạn cho phép thì không nên cung cấp vào ao. Đồng thời theo dõi thời tiết và kiểm tra các yếu tố môi trường để có các biện pháp xử lý phù hợp. Nếu lấy nước vào ao lắng để cấp vào ao nuôi cần phải chọn thời điểm đỉnh triều, thông qua túi lọc dày để loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Người dân nên sử dụng các hóa chất khử trùng nước phù hợp để giảm mật độ coliform.
Bài, ảnh: Hoàng Triều