ClockThứ Bảy, 08/01/2022 05:30

Tránh thiệt hại cho thủy sản nuôi vụ mới

TTH - Cơ cấu, tổ chức mùa vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) hợp lý kết hợp các biện pháp đồng bộ đang được ngành thủy sản, các địa phương quan tâm nhằm hạn chế nguy cơ thiệt hại do nắng nóng, lũ lụt và dịch bệnh.

“Ghim hàng” thủy sản nuôi: Tiềm ẩn nhiều rủi roThu hoạch thủy sản tránh lũ

Người dân Quảng Thái (Quảng Điền) chăm sóc cá nuôi đầm phá

Cơ cấu thời vụ hợp lý

Hầu như năm nào thủy sản nuôi bằng lồng cũng bị thiệt hại lớn trong mùa nắng nóng, do dòng chảy môi trường không ổn định, thiếu ô xy, mực nước trên các sông Hương, Đại Giang, sông Bồ xuống thấp. Một số hộ nuôi tôm trên cát bất chấp rủi ro, thả nuôi trong mùa nắng nóng cũng bị thiệt hại nặng. Vào mùa mưa lũ, thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm, không thu hoạch kịp cũng bị lũ cuốn trôi, chết.

Hằng năm cứ đến mùa vụ, ngành thủy sản hướng dẫn, vận động người dân chấp hành quy định về khung lịch thời vụ NTTS. Vậy nhưng phần lớn hộ nuôi chủ quan, chưa chấp hành, còn tình trạng sản xuất theo phương thức truyền thống, “mạnh ai nấy làm”. Hộ thả giống trước, người thả sau, không đồng nhất thời điểm thả giống và thu hoạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi ao hồ, lồng bè nuôi không chấp hành quy định xảy ra dịch bệnh kéo theo nhiều hồ khác lây nhiễm.

Ông Võ Tuân ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú (Quảng Điền) khó có thể quên mùa lũ cách đây hai năm, 30 lồng bè nuôi cá diêu hồng trên sông Bồ của gia đình sắp đến kỳ thu hoạch bị lũ cuốn trôi, chết hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Cũng vào vụ nuôi cá lồng đó, riêng tại xã Quảng Phú bị thiệt hại gần 20 tỷ đồng vì nguyên nhân trên. Bài học được ông Tuân rút ra là do hộ ông cũng như người dân theo thông lệ sau tết mới thả giống, kích cỡ giống lại nhỏ nên đến mùa lũ chưa đạt kích cỡ, không thể thu hoạch kịp thời.

Mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm nay, ngành thủy sản, các địa phương đang triển khai đồng bộ biện pháp sản xuất, nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập. Trong đó, cơ cấu và tổ chức lại mùa vụ hợp lý trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường được đặt ra một cách cấp thiết.

TS. Mạc Như Bình - Khoa Thủy sản thuộc Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế) cho rằng, thực tế những thiệt hại do nắng hạn, bão lũ đã thấy rõ, cần được khắc phục nhằm đạt kết quả tốt trong NTTS. Đối với nuôi cá lồng trên các sông, nuôi tôm trên cát, hộ nuôi phải tranh thủ thả ngay từ đầu năm, chọn kích cỡ giống hợp lý kết hợp với các biện pháp chăm sóc phù hợp giúp thủy sản sinh trưởng tốt, thu hoạch đúng thời vụ.

Lâu nay người dân thường thả giống kích cỡ quá nhỏ, hạn chế chi phí đầu tư nhưng lại kéo dài thời gian sinh trưởng, tỷ lệ hao hụt cao, thu hoạch chậm khó tránh thiệt hại trong mùa nắng nóng cũng như mưa lũ. Đây là điều mà ngành thủy sản và các địa phương cần có sự điều chỉnh, quy định, hướng dẫn người dân khắc phục trong vụ NTTS mới.

Biện pháp đồng bộ

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền - Trần Thị Thanh Nhã thông tin, ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai biện pháp NTTS theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh. Ngoài cơ cấu lịch thời vụ hợp lý, các địa phương tiến hành rà soát, đưa diện NTTS bằng lồng bè trên sông, đầm phá, nuôi chắn sáo vào kế hoạch sử dụng đất, mặt nước làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như triển khai biện pháp quản lý trong quá trình nuôi.

Cán bộ thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát thường xuyên, ngăn chặn kịp thời người dân phát triển tự phát thêm lồng bè, nuôi chắn lưới, nuôi giàn bè nhuyễn thể trên các khu vực sông, đầm phá, cửa biển khi địa phương chưa bố trí kế hoạch sử dụng đất, mặt nước. Trong điều kiện nuôi thâm canh, bán thâm canh phải có hệ thống ao xử lý nước cấp, nước thải, khu vực xử lý bùn thải…

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng CCTS tỉnh lưu ý, trước khi thả giống cũng như quá trình NTTS, các cơ sở, hộ nuôi tuân thủ quy định sử dụng trang thiết bị an toàn, lưu giữ hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y, xử lý môi trường… đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc theo quy định. Người dân nên mua giống tại cơ sở có uy tín và kiểm tra PCR trước khi thả nuôi.

Đối với nuôi thủy sản trên cát ven biển có thể nuôi quanh năm (trừ thời điểm nắng nóng) trong điều kiện hạ tầng, môi trường vùng nước cấp đảm bảo, xử lý và kiểm soát các yếu tố, chỉ tiêu về nhiệt độ, môi trường trong ao nuôi phù hợp. Hộ nuôi phải tuân thủ quy định thời điểm thả giống phù hợp, tránh vào thời điểm có không khí lạnh đầu năm và nắng nóng vào tháng 6 ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản. Trong khi hướng đến nuôi an toàn, hiệu quả, người dân chuyển dần sang phương thức nuôi thủy sản công nghệ cao, ao quy mô nhỏ như mô hình nuôi tôm trong ao tròn, theo chuỗi giá trị tại một số nơi ở vùng cát Ngũ Điền...

Do biến động của thời tiết, môi trường thường xuyên thay đổi nên chủ cơ sở, hộ nuôi cần theo dõi sát sao các yếu tố môi trường trong ao, nguồn nước cấp đối với nuôi thủy sản nước lợ, mặn trong đầm phá, cửa biển. Nhận thấy độ mặn từ 8%o trở lên, thời tiết thuận lợi, nắng ấm, nhiệt độ trên 25 độ C thì tiến hành thả nuôi để tránh sốc, đảm bảo tỷ lệ sống và thủy sản sinh trưởng tốt.

Theo khuyến cáo của CCTS tỉnh, các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Đại Giang, sông Truồi cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị máy sục khí, hóa chất tạo ô xy, thuốc tím, vôi... để chủ động phòng trị bệnh cho thủy sản nuôi, xử lý kịp thời khi cá nổi đầu, hoặc chết do dòng chảy yếu.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực ở Trung Bộ đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực trên tiếp tục có mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ
Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

TIN MỚI

Return to top