ClockThứ Tư, 06/11/2019 14:38

Trồng rau bậc thang

TTH - Bất chấp vùng đất cằn cỗi và thời tiết khắc nghiệt của Huế, lão nông Trần Tân, ở xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) đã thành công trong việc canh tác rau màu theo mô hình vườn bậc thang.

Điền Lộc - Vựa rau an toàn32 ha rau màu, hoa Quảng Điền bị ngậpXuất khẩu rau quả ước đạt 1,7 tỷ USD trong 5 tháng

Dưa hấu trái vụ trên vườn bậc thang

Quê gốc ở làng rau vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, công việc canh tác, trồng trọt sớm đã ngấm vào máu của lão nông sinh năm 1955. Vốn mưu sinh bằng nghề xây dựng, năm 2007, do sức khỏe không đảm bảo, ông Tân về quê vợ (Thủy Phù, Hương Thủy), mở ra mô hình trồng rau trên vùng đất dốc cằn cỗi.

Ông Tân cho biết, khu vườn không chỉ là vùng đất dốc, do từng là bãi đỗ xe nên đá ở đây được đổ rất dày. Vốn nhạy bén, ông đào đá, tận dụng thời gian để đúc hơn 1.500 viên bờ lô. Với số bờ lô đó, ông xây chuồng lợn, chuồng bò. Phần đất sau khi dọn dẹp thông thoáng được ông cày xới, phơi thật kỹ để cải tạo, tìm lại độ tơi xốp.

Để tránh đất bạc màu do nước chảy, đồng thời phân tầng canh tác rau, lão nông sinh năm 1955 đã sáng tạo ra cách trồng rau theo hướng vườn bậc thang. Ông cho biết: “Với địa hình dốc, khi nước chảy xuống sẽ làm đất bị xói mòn, sạt lở. Phân bón, chất dinh dưỡng cũng trôi theo dòng nước. Vì vậy, toàn bộ 2.700m2 đất vườn đều có rãnh và đai bao dài hàng trăm mét. Hơn nữa, vườn bậc thang sẽ giúp điều tiết nước dễ dàng, tránh khô hạn hoặc úng lụt”.

Nhìn đôi bàn tay không được lành lặn (ông Tân mất một ngón tay vì tai nạn lao động) chai sần vì phải làm việc cật lực, chúng tôi hiểu công việc mà ông đang làm. Mảnh đất không màu mỡ đòi hỏi người nông dân phải đổ nhiều mồ hôi. Toàn bộ diện tích vườn được ông phân bậc, mỗi bậc tập trung một nhóm rau đồng đều về nhu cầu nước. Phần đất trên cùng, khô ráo được dùng trồng ớt, ngô, dưa leo, dưa hấu... Vùng trũng thấp hơn thì canh tác cải, xà lách, ngò, rau thơm, hành lá, những loại cây có nhu cầu nước cao. Những ô vườn xanh ngăn ngắt, tươi tốt dưới đôi tay chăm chỉ và khối óc sáng tạo của ông.

Đồng hành cùng ông là người vợ tảo tần, bà Hà Thị Hường. Đồng cam cộng khổ từ những ngày đầu làm quen với đất, với rau, đôi vợ chồng luống tuổi tìm thấy tình yêu nơi mảnh vườn vốn trước đó chỉ toàn sỏi đá, cỏ dại. Cứ đều đặn hằng ngày, mới 2 giờ sáng là ông bà đã thức dậy, chăm chỉ bắt sâu, thu hoạch rau. Đến năm giờ, rau được mang ra chợ bỏ cho thương lái. Quay về nghỉ ngơi, hành trình của đôi vợ chồng xoay quanh khuôn viên vườn bậc thang. Công việc chỉ tạm kết thúc khi đến bữa cơm trưa và lúc chiều muộn.

Tận dụng tối đa và để bảo vệ phần rãnh, ông Tân trồng cỏ voi cho bò. Tổng diện tích trồng cỏ đủ cung cấp cho bốn con bò trưởng thành. Bò được nuôi theo hướng thâm canh, phân bò ủ kỹ, xoay vòng bón cho vườn rau, gián tiếp cung cấp chất dinh dưỡng cho cỏ.

Ông Châu Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thủy Phù, cho biết: “Vườn bậc thang trồng rau hữu cơ của hội viên Trần Tân là mô hình sáng tại địa phương. Với phương pháp canh tác độc đáo, sáng tạo, vườn rau giúp ông mang lại thu nhập khá, phát triển kinh tế vườn bền vững, cung cấp ra thị trường nguồn rau an toàn, chất lượng”. Nhờ thế, năm 2018, ông Trần Tân được UBND xã Thủy Phù tặng giấy khen vì đã có thành tích trong công tác sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Với uy tín hơn 10 năm trồng rau sạch, sản phẩm của ông Tân cung không đủ cầu. Với hơn 5 sào rau đa dạng gần 20 loại, mỗi tháng ông thu lãi hơn 10 triệu đồng. Quan điểm của ôngTân chân chất nhưng hiện đại: Trồng rau sạch, an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đó còn là lương tâm và niềm tự hào của người nông dân.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn

Với niềm đam mê chăn nuôi, trồng trọt, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1995 ở phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình “hệ sinh thái” tuần hoàn với nhiều sản phẩm đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn
Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Ngày 26/11, tại UBND xã Vinh Xuân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm của Hội Nông dân, tham gia phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2024 tại hai xã Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Dự hội nghị có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Nguyễn Chí Quang, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Return to top