ClockThứ Sáu, 27/03/2015 14:42

Ứng phó hạn, mặn đầu vụ đông xuân

TTH - Mới đầu vụ lúa đông xuân nhưng đã có dấu hiệu nắng nóng. Phát huy vai trò, chủ động của người dân được xác định là phương án tối ưu trong công tác phòng chống hạn, mặn.

Tích cực từ nông dân

Mấy ngày nay, ông Trần Hậu cùng nhiều người dân xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) thường xuyên bám đồng ruộng, kiểm tra mực nước để có phương án ứng phó nắng hạn. Nhiều nông dân đấu nối hệ thống đường ống từ các ao hồ, sử dụng máy bơm dầu dẫn nước vào đồng ruộng. Nguồn nước trong các ao hồ trên địa bàn xã Quảng Ngạn tuy không dồi dào nhưng thường xuyên giữ ở ngưỡng cần thiết. Trong điều kiện nắng hạn xảy ra, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ huy động, vận hành máy bơm dầu để lấy nước tưới.
Trạm bơm Tây Hưng (Quảng Điền) vận hành chống hạn
Hầu hết các đồng ruộng tại các xã Quảng Ngạn, Quảng Công đều nằm ven đầm phá Tam Giang. Vào mùa nắng nóng, các đồng ruộng ven phá thường xảy ra nhiễm mặn, chân ruộng lại cao nên thường diễn ra khô hạn. Nguồn nước phục vụ chống hạn chủ yếu từ các ao hồ do người dân tự đào chỉ khoảng 2.000 - 3.000m2, dung tích chứa rất nhỏ. Ông Võ Đông Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công nói: “Vụ đông xuân thường gieo cấy hết diện tích, còn vụ hè thu phải bỏ hoang hàng chục ha do không chủ động nguồn nước tưới, đồng ruộng lại cao nên khô cằn. Dự báo năm nay nắng hạn đến sớm, ngay từ đầu vụ đông xuân, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực nạo vét các hồ chứa để tạo nguồn nước chống hạn”.
Một số địa phương của huyện Phú Vang đến nay vẫn chưa chủ động nguồn nước tưới chống hạn. Tại xã Vinh Thái, hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn hầu như chưa có gì nên hơn 700 ha lúa thường xuyên khô hạn. Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Vinh Thái nói: “Giải pháp tạm thời của địa phương là nạo vét ao hồ, kênh mương phục vụ chống hạn. Đầu vụ đông xuân này, nông dân cũng đã vận hành các máy bơm dầu đưa nước vào đồng ruộng, đồng thời triển khai nạo vét ao hồ, tạo nguồn nước dự phòng”.
Mấy năm gần đây, hệ thống kênh mương thủy lợi tại các xã khu 3 tuy được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trên địa bàn vẫn chưa có hệ thống dẫn nước từ các sông, hồ về phục vụ chống hạn cho lúa. “Cứ đến mùa nắng hạn, nếu không có mưa thì nhiều đồng ruộng lâm vào cảnh thiếu nước. Hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo năng suất vụ lúa đông xuân 2014-2015, các địa phương huy động người dân, các lực lượng đoàn viên thanh niên ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để phục vụ phòng chống hạn”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc Bạch Văn Khai chia sẻ.
Đảm bảo nước dự phòng tại các hồ
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hạn hán đến sớm và diễn biến phức tạp hơn trước. Chủ động các phương án phòng chống hạn, mặn đang được các ban ngành, chủ hồ chứa triển khai một cách nghiêm túc. Tranh thủ đợt lũ muộn cuối năm 2014, Công ty TNHH Nhà nước 1 TV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức tích nước tại các hồ. Đến thời điểm này, mực nước tại hầu hết các hồ chứa lớn, như hồ Truồi, Thọ Sơn, Hòa Mỹ... đều đạt trên 90% cao trình thiết kế. Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty Thủy nông tỉnh khẳng định, mực nước hiện có tại các hồ chứa đảm bảo chống hạn cho lúa hai vụ. Công ty cũng đã kiểm tra, sửa chữa hệ thống máy móc trên các hồ đập để vận hành phục vụ chống hạn, mặn một cách an toàn.
Theo ông Đính, nếu hạn diễn biến phức tạp, gay gắt thì toàn tỉnh có trên 1.000 ha bị thiếu nước sản xuất. Các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Lợi, Quảng Thái (Quảng Điền), khu 3 (Phú Lộc), Vinh Thái, Vinh Hà, Vinh Xuân (Phú Vang)... được xác định có nhiều diện tích không chủ động nguồn nước tưới, chủ yếu dựa vào thời tiết. Với các địa phương trên, công ty khuyến cáo người dân tích cực nạo vét kênh mương, các ao hồ, đấu nối hệ thống ống dẫn nước từ các hồ, sử dụng máy bơm dầu để đưa nước vào đồng ruộng chống hạn. Đối với các công trình do đơn vị quản lý, các chủ hồ đập đã kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, các hệ thống trạm bơm điện, cửa van, đường ống, kênh dẫn... đảm bảo phục vụ chống hạn. Trong điều kiện hạn hán nặng, mực nước trên các sông xuống thấp, công ty sẽ xả nước trong các hồ chứa lớn để tưới lúa, hoa màu.
Ông Huỳnh Hiệp, Phó Trưởng ban Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 cho biết, mực nước tại công trình hồ Tả Trạch đạt cao trình thiết kế. Thời điểm này, hồ chứa thường xả nước về các sông với lưu lượng bình quân 12-15m3/giây. Trường hợp nắng hạn, đơn vị sẽ cho xả nước với lưu lượng lớn hơn nhằm đảm bảo chống hạn. Ông Phan Đăng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Tả Trạch hứa sẽ thực hiện đúng cam kết trong việc thực hiện chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Khi có nhu cầu về nước, ngành nông nghiệp và các địa phương thông báo, phối hợp với công ty để có biện pháp xả nước hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa thủy điện và thủy lợi.
Trong điều kiện nắng hạn, mực nước ở các sông xuống thấp, kết hợp triều cường nên nguy cơ xâm nhập mặn rất cao. Các địa phương ven phá, nằm gần cửa biển Thuận An, như Hương Phong, Hải Dương (TX Hương Trà), Phú Thanh, Phú Mậu (Phú Vang)... có nhiều nguy cơ nhiễm mặn. Tại thời điểm này, hầu hết các cửa cống trên hệ thống đầm phá tại các địa phương trên đã được đóng kín. Ông Đính cho biết thêm, đơn vị sẽ đóng tất cả các cửa van trên đập Thảo Long và các cửa cống trên hệ thống đầm phá Tam Giang nhằm ngăn mặn, giữ ngọt phuc vụ phòng chống hạn, mặn.
Bài, ảnh: Hoàng triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Return to top