ClockThứ Ba, 24/05/2022 15:36

Vài câu hỏi quanh mô hình “ba giảm, ba tăng”

TTH - Sau mấy mươi năm áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây lúa, đến thời điểm này, có thể nói năng suất lúa đã đạt đỉnh, tính trung bình khoảng trên dưới 65 tạ/ha. Điều này có thể hiểu, chúng ta không thể tìm kiếm lợi nhuận nhờ vào năng suất.

Ưu thế mô hình “ba giảm, ba tăng”

Ở đồng bằng sông Cửu Long muốn tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích - tức là muốn tìm kiếm thêm lợi nhuận - người nông dân và cả chính sách hỗ trợ bằng cách tăng vụ. Từ một vụ lên hai vụ, từ hai vụ lên ba vụ. Tăng vụ đương nhiên là tăng sản lượng nhưng không có nghĩa là đã tăng được hiệu quả kinh tế và tăng được lợi. Có nhiều yếu tố xem ra chẳng những có lợi mà còn có hại, ví dụ như đất đai ngày càng bạc màu, môi trường ngày càng ô nhiễm. Cái lợi nhìn thấy rõ nhất chưa hẳn thuộc về người nông dân mà là những nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mà hai thứ này phần nhiều phải nhập khẩu, nghĩa là nước ngoài và các công ty nước ngoài thu lợi nhiều nhất.

Bài toán làm sao sản xuất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao nhất đang đặt ra ngày càng bức thiết. Đã tính đến hiệu quả nghĩa là tính cả các yếu tố tác động dù hữu hình hay vô hình. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tức là không phải chạy theo năng suất mà chạy theo hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp đưa lại.

Mới đây nhất, ở Thừa Thiên Huế đã áp dụng mô hình “ba giảm, ba tăng” trong sản xuất lúa. Những thông tin đưa lại về hiệu quả khá khả quan. Trong mô hình này, ngành nông nghiệp và người nông dân đã tìm kiếm được một phương thức “tăng trưởng mới”. Không phải giải pháp tăng năng suất, sản lượng mà bằng cách giữ vững sản lượng nhưng giảm chi phí đầu vào.

Cũng thành thật mà nói, những nhà khoa học nông nghiệp, có vẻ như sau mấy mươi năm liên tục thay đổi phương thức canh tác thì nay mới tìm ra nguyên lý: “tăng hiệu quả kinh tế không đồng nghĩa với tăng sản lượng”. Điều này đúng với quy luật cung cầu. Đã có không ít bài học. Thanh trà có giá, chúng ta tăng sản lượng thanh trà. Cam có giá, chúng ta hoạch định tăng sản lượng cam… Nhưng hỏi tiêu thụ ở đâu thì chúng ta có vẻ nhận biết chung chung - nhu cầu lớn lắm, hoặc phục vụ du lịch… Chúng ta đã không lạ gì chuyện rớt giá rồi.

Thực tế mô hình “ba giảm, ba tăng” đã giải quyết được điều cốt lõi nhất về hiệu quả kinh tế là không nhất thiết phải tăng, mà có khi là giảm. Một con gà kiến bán giá bằng hai con gà công nghiệp thì chúng ta đã biết rồi. Một kg rau má dây (rau má tự nhiên) bằng hơn mấy lần kg rau má trồng ở Quảng Thọ, chúng ta cũng biết… Giảm nhiều yếu tố đầu vào để tăng hiệu quả. Số liệu truyền thông nói rằng, giảm khoảng 50% yếu tố đầu vào nhưng sản lượng vẫn tăng là không chính xác. Mà thực ra nói như thế cũng vô lý! Nói chính xác là giảm khoảng trên dưới 20% yếu tố đầu vào nhưng sản lượng vẫn không sụt giảm. Chính ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xác nhận điều này. Ví dụ, trước đây mỗi ha chúng ta sạ khoảng 120kg thóc giống thì nay chỉ sạ từ 90 -100kg. Giảm chừng ấy phần trăm thóc giống nhưng lúa vẫn đẻ nhánh và đậu hạt bằng 120kg thóc giống. Tức là về giống đã tiết kiệm mấy chục phần trăm. Giống giảm thì kéo theo phân bón giảm, thuốc trừ sâu giảm… Cả tỉnh tùy theo vụ, dao động khoảng hai mươi mấy ngàn ha một vụ, nếu chỉ tính riêng giống sẽ tiết kiệm được bao nhiêu chi phí. Mô hình này thành công là đáng mừng. Nhưng mô hình này thành công cũng nói lên một điều, công tác nghiên cứu, thực nghiệm nông nghiệp của chúng ta trong mấy mươi năm qua có thể nói là… chưa tốt.

Mô hình này đang thí nghiệm ở Thừa Thiên Huế có lẽ là điều mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn nói – đại ý: bán 20kg thóc mới lợi hai đồng làm sao bằng bán 10kg thóc vẫn thu lợi hai đồng. Tức là cái lợi không phụ thuộc vào số lượng.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, kinh tế trang trại, gia trại với những chính sách cụ thể, thiết thực. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xóa nghèo bền vững cho đồng bào miền núi, vùng DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi
Hiệu quả từ mô hình sinh kế cộng đồng

Dự án (DA) nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp, thuộc huyện A Lưới với 10 mô hình kế cho 100 hộ dân đã thực sự mang lại hiệu quả bước đầu, khi bà con thu được nguồn lợi từ các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Hiệu quả từ mô hình sinh kế cộng đồng
Nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa

Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Vang đã triển khai nhiều mô hình hay, việc làm ý nghĩa nhằm lan tỏa những phẩm chất cao đẹp của người lính; đồng thời góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa
Return to top