ClockThứ Hai, 25/03/2019 14:15

Vụ đông xuân 2018-2019: Thiếu nước cục bộ, dự báo năng suất giảm

TTH - Nhiều diện tích lúa một vụ đang thiếu nước bởi hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo, năng suất vụ đông xuân năm nay dự báo sẽ thấp so với mọi năm.

Phong Điền gieo trồng gần 1.000 ha lạc vụ Đông XuânPhòng trừ bệnh, chăm sóc lúa đông xuânGia cố, sửa chữa đê bao phục vụ sản xuất đông xuân

Lúa chết cháy tại cánh đồng thị trấn Phú Đa

Rút ngắn thời gian sinh trưởng

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo trồng 28.687 ha lúa. Do thời tiết từ đầu năm đến nay nắng ấm nên đa số diện tích tại những vùng chủ động được nguồn nước đang sinh trưởng tốt. Hiện, lúa đang giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ, dự kiến cuối tháng 3 lúa sẽ trổ đại trà.

HTX An Xuân (xã Quảng An, huyện Quảng Điền) năm nay đưa vào gieo sạ 245 ha. Lúc bắt đầu mới gieo sạ gặp không ít khó khăn bởi ngập úng, đến nay, lúa phát triển tốt. Theo ông Trần Đức Diễn, Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Xuân, thời tiết đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng đáng kể. Chính điều này khiến vụ thu hoạch lúa năm nay sẽ đến sớm hơn mọi năm.

“Do lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng nên ảnh hướng khá lớn đến chất lượng, chẹn cây và hạt lúa sẽ không bằng so với lúa có thời gian sinh trưởng dài. Theo đó, năng suất lúa dự báo sẽ thấp hơn so với mùa vụ cùng kỳ”, ông Diễn nói.

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh thông tin, việc cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng cũng đồng thời các loại sâu bệnh có cơ hội phát triển. Toàn tỉnh hiện có 1.500 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn (tăng 455 ha so với cùng kỳ năm trước), tỷ lệ bệnh 20-40%; 100 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ lá đòng, tỷ lệ bệnh 5-10%; 200 ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại mật độ từ 100-200 con/m2… Chuột phá hoại trên diện tích 502 ha (tăng 369 ha so với cùng kỳ năm trước)…

“Trong số diện tích đưa vào gieo sạ vụ năm nay có hơn 790ha lúa gieo sạ muộn, dự kiến vào đầu tháng tư sẽ trổ đại trà. So với vụ mùa năm trước, thời gian sinh trưởng của lúa năm nay được rút ngắn, trước tình hình sâu bệnh, nông dân cần theo dõi kỹ, trước mắt chủ động phòng ngừa bệnh đạo ôn và lem lép hạt”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTT tỉnh cho biết.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trước sự bất thường của thời tiết, nhất là nền nhiệt cao sẽ bất lợi cho cây lúa. Lúa nếu trổ ngay lúc nhiệt độ cao thì năng suất sẽ giảm. Sâu bệnh sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

Nông dân thị trấn Phú Đa sửa chữa máy bơm nước

Thiếu nước cục bộ

Tháng 2 vừa qua, mưa hầu như không có nên lần đầu tiên xuất hiện hạn thủy văn, ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp.

“Vào tháng hai hàng năm lượng mưa sẽ khoảng 60-70mm. Vùng ven biển duyên hải có những đợt gió mùa gây mưa nhiều nên nguồn nước bổ sung. Tuy nhiên, năm nay nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm 4 độ, lượng bốc hơi nhiều hơn. Theo quan trắc, năm có nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử.”, ông Hùng cho hay.

Chính bất lợi của thời tiết khiến nhiều diện tích lúa ở các địa phương như huyện A Lưới, Nam Đông, thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang) bị thiếu nước cục bộ.

Tại thị trấn Phú Đa, tình hình hạn hán xảy ra ở những cánh đồng lúa thuộc tổ dân phố Viễn Trình, Lương Viện. Nhiều đồng ruộng lúa rơi vào tình trạng chết cháy, bạc cánh đồng.

Ông Phan Văn Thương (tổ dân phố Lương Viện, thị trấn Phú Đa) chia sẻ: “Trời không mưa khiến hơn 1 mẫu ruộng của tui bị cháy, coi như mất trắng. Không chỉ tui mà nhiều diện tích xung quanh các người dân khác cũng rơi vào tình trạng tương tự”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, ở địa phương này có khoảng 15 ha lúa thiếu nước, chết cháy. Khu vực này hàng năm, chỉ dựa cào nguồn nước tự nhiên, hệ thống thủy lợi đưa nước vào vẫn chưa có nên do nắng nóng nên cạn kiệt nguồn nước.

Toàn tỉnh hiện có hơn 160 ha lúa đang thiếu nước, chủ yếu tập trung ở hai huyện vùng cao là A Lưới và Nam Đông, nơi hệ thống thủy lợi, tưới tiêu vẫn còn yếu kém.

“Toàn huyện có 12ha bị thiếu nước, nứt nẻ. Hạn nặng nhất tập trung tại khu vực cánh đồng xã A Ngo. Trước mắt, chúng tôi tận dụng tối đa máy bơm dầu, về lâu dài đợi kinh phí của tỉnh xây dựng trạm bơm để giải quyết được 30ha bị hạn hàng năm”, ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin.

Ông Phan Thanh Hùng cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết, những nơi đó công trình thủy lợi chưa kéo đến được và chưa có hệ thống tưới tiêu. Trong quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi đang gặp khó khăn về nguồn lực, một số dự án đang triển khai nhưng phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư.

“Tại thị trấn Phú Đa đang triển khai dự án xây dựng trạm bơm với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, song mới chỉ bố trí khoảng 10 tỷ đồng. Một số công trình thủy lợi khác, trong quá trình triển khai vốn vẫn chưa đủ để bố trí”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, hiện hạ tầng thủy lợi và hồ chứa trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đáp ứng 85% diện tích lúa 2 vụ, và đang trong quá trình phát triển hệ thống tưới, trạm bơm. Theo lộ trình quy hoạch thủy lợi, nhu cầu về vốn từ nay đến 2030 cần đến 11.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn từ nay đến 2025 cần 6.000 tỷ đồng, song nguồn vốn hạn chế ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

"Hiện, diện tích lúa đang thiếu nước nếu so với tổng diện tích đưa vào gieo sạ là không lớn. Đến vụ hè thu sẽ thiếu nước khoảng 1000 – 3000 ha tập trung ở Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Nam Đông. Giải pháp đối với số diện tích này là sẽ chuyển đổi sang cây trồng cạn”, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin.

LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Return to top