Cô Hằng chăm sóc khu vườn (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng khu vườn, cô Hằng cho biết khi ra Hà Nội học tiến sĩ, được một người bạn mời đến nhà chơi và tham quan vườn sau sạch trên sân thượng. Từ đó cô nảy ra ý tưởng phải xây dựng một khu vườn tại chung cư mình đang sống.
Ấp ủ từ lâu, nhưng mãi đến năm 2014 cô Hằng mới có điều kiện bắt tay vào thực hiện. Trước kia tầng thượng của chung cư vốn để trống, là diện tích không ai sử dụng nên một số hộ dùng làm nơi chứa rác khiến nơi đây trở nên nhếch nhác. Bước đầu thực hiện, cô Hằng phải dọn dẹp vệ sinh, thông ống thoát nước mới có thể tiến hành xây dựng khu vườn.
Trở ngại lớn nhất khi làm “mảnh vườn” này là việc vận chuyển đất, phân bón lên sân thượng, công đoạn này mất rất nhiều thời gian và công sức. Đảm bảo nguồn nước tưới cũng không mấy dễ dàng vì trên sân thượng vốn không có hệ thống nước, phương án giải quyết được đưa ra là đấu đường ống nước từ căn hộ của cô Hằng tại tầng 2, điều này cũng tốn kém không ít.
Khu vườn được thực hiện theo phương pháp thổ canh trong các thùng xốp với diện tích ban đầu là 50m2, sau đó mở rộng dần cho đến hiện nay khoảng 200m2. Cô Hằng thử trồng rất nhiều loại cây khác nhau từ các loại rau dền, mồng tơi, cải, cà chua, dưa lưới cho đến nha đam, hồng, ổi và các loại hoa hồng, thanh tú, tuyết sương. Tuy bận rộn với việc giảng dạy nhưng mỗi ngày cô đều dành khoảng 1 giờ vào lúc sáng sớm và chiều muộn để vun xới, tỉa cành, tưới nước cho những đứa “con” đáng yêu.
Cô Hằng chia sẻ: “Cách chăm bón cây chủ yếu vẫn theo cách trồng truyền thống, nhưng đất trồng được lựa chọn kỹ lưỡng và phối trộn theo công thức riêng đối với từng loại cây. Thay vì chọn đất công nghiệp được bán sẵn, tôi lại chọn loại đất bình thường, phối hợp trộn thêm phân gia súc để đất đạt được độ tươi xốp tự nhiên; ngoài ra còn sử dụng thêm phân NPK đối với một số loại cây nhất định”.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cô không hề sử dụng thuốc trừ sâu mà chọn chế phẩm sinh học để ngừa sâu bệnh. Hỗn hợp do cô tự pha chế gồm ớt, tỏi, gừng…và rượu.
Nhược điểm lớn nhất khi trồng cây trên sân thượng là nắng quá nhiều, hiện tượng hấp nắng bêtông khiến nhiệt độ khá cao nên đối với các loại rau cần được che lưới tránh nắng. Để cải thiện, nên tưới nước hai lần mỗi ngày, vào lúc sáng sớm và chiều muộn để tránh chết cây.
Cô Hằng cho biết: “Ngoài cung cấp đủ lượng rau, quả cho gia đình dùng, phần còn dư tôi đem biếu bà con hàng xóm xung quanh. Tại đây tôi cũng đặt bàn ghế và xích đu để có thể thư giãn, giảm stress sau giờ làm việc căng thẳng”. Khu vườn của cô Hằng được các hộ xung quanh ủng hộ, nhiều người đến đây để ngắm cảnh cũng như chụp hình.
Thấy được hiệu quả từ mô hình này, hai người hàng xóm của cô Hằng cũng đã cùng tham gia và bước đầu đã tự túc được rau sạch cho gia đình. Chị Hoài Nhân, một người dân sống ở đây cho biết: “Khu vườn của cô Hằng không chỉ tạo cảnh quan đẹp cho sân thượng mà còn giúp các hộ sống ở tầng dưới mát mẻ hơn. Thỉnh thoảng cần một ít rau sạch thì hàng xóm lại lên khu vườn để xin”.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, các tòa nhà cao tầng ngày càng bổ biến, việc tận dụng sân thượng để làm vườn sinh thái để tăng hiệu quả sử dụng là một mô hình đáng học hỏi.
Trao đổi về ý tưởng mô hình này, ông Hồ Văn Thu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vicoland- chủ đầu tư nhiều dự án chung cư cho rằng: “Đây là một ý tưởng hay, nếu có người thuê sẽ xem xét. Đồng thời, nếu có dịch vụ khác như cà phê cũng sẽ tạo điều kiện để làm phong phú thêm dịch vụ, tạo nét mới sinh động cho khu chung cư”. Ban quan lý chung cư Xuân Diệu cũng cho biết, sẽ nghiên cứu mô hình hấp dẫn này.
Minh Nguyên