Dùng chế phẩm AT xử lý rơm rạ trên đồng
Lãng phí, ô nhiễm
Về các địa phương là các “vựa lúa” của tỉnh, sau mỗi mùa gặt, trước khi làm đất bà con nông dân đều đốt rơm rạ trên đồng. Thực trạng này không chỉ vừa lãng phí mà còn gây nên tình trạng ô nhiễm, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất biến thành các chất vô cơ do nhiệt độ cao. Đồng ruộng bị khô, chai cứng và một lượng lớn nước bị bốc hơi do hun đốt.
Ông Nguyễn Thuấn (thôn Khuôn Phò, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) cho biết: “Sau mỗi mùa vụ, cách xử lý duy nhất mà bà con phải làm là đốt rơm rạ ngay trên đồng. Cách làm truyền thống của nông dân nhiều đời nay vẫn thế. Nếu không xử lý rơm rạ thì vụ sau không thể triển khai khâu làm đất, không sản xuất được”.
Nông dân sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo đất
Ông Hoàng Vọng, Phó phòng NN&PTNT Quảng Điền cho rằng, mỗi vụ, toàn huyện đưa vào sản xuất trên dưới 5 nghìn ha lúa. Cứ tính bình quân 1 tấn lúa thì cho ra 1-1,2 tấn rơm rạ. Với diện tích khá lớn của huyện mỗi mùa vụ, số phế phẩm nông nghiệp còn lại trên đồng ruộng rất nhiều. Dựa trên ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng, nhằm tạo nguồn phân bón hữu cơ bón trả lại cho cây trồng, giảm chi phí phân hóa học, góp phần nâng cao dinh dưỡng đất, giảm chi phí đầu tư và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sử dụng, là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân cũng như có sự hỗ trợ của địa phương, chung tay từ các ban ngành.
Hướng đi mới
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông nghiệp (TTNCKHNN) của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, viên nông dân ở cơ sở về việc sử dụng chế phẩm sinh học AT Bio-Dercomposer (AT), trong việc xử lý rơm rạ trên đồng ruộng. Chế phẩm AT là sản phẩm tập hợp của một nhóm vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, được Viện KHCN nông nghiệp King MongKut (Thái Lan) kết hợp với Công ty TNHH Công nghệ sạch nông nghiệp nghiên cứu và chọn lọc.
Tại buổi tập huấn, cán bộ, nông dân các địa phương Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, đã trao đổi, hỏi đáp những thắc mắc trong quá trình sử dụng chế phẩm và quy trình sản xuất phân bón để khi về địa phương có thể áp dụng ngay vào xử lý chất thải hữu cơ trong nông nghiệp. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho hội viên nông dân làm theo.
Theo tính toán của TTNCKHNN, nếu tận dụng, xử lý rơm rạ, sẽ tạo ra được loại phân bón hữu cơ thay thế được từ 20-30% lượng phân bón hóa học cần bón cho cây trồng. Chỉ cần ½ số rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch của cả nước (khoảng 40 triệu tấn) được xử lý, sẽ đem lại 20 triệu tấn phân bón hữu cơ, người nông dân tiết kiệm được gần 11 nghìn tỷ đồng chi phí sử dụng phân hóa học.
|
Nông dân Nguyễn Cường (thôn Đông B, xã Phú Lương, huyện Phú Vang) cho biết: “Diện tích lúa ở Phú Lương rất lớn, sau vụ gặt, những hộ dân có sản xuất nấm rơm đều tận dụng rơm rạ trên đồng ruộng. Số còn lại đều xử lý theo phương thức truyền thống là mang đi đốt. Được tham dự buổi tập huấn, nông dân không chỉ nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm đất mà còn biết cách sử dụng chế phẩm sinh học phục vụ hữu ích sản xuất nông nghiệp trong gia đình”.
Ông Trịnh Quốc Bình, TTNCKHNN, thông tin: “Chế phẩm sinh học AT, có mật độ vi sinh vật hữu cơ cao, đảm bảo tính ổn định về hoạt tính sinh học, an toàn với môi trường và có khả năng xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng. Dùng chế phẩm này giúp cho bà con tận dụng được nguồn rơm rạ làm phân bón hữu cơ ngay trên đồng ruộng, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đặc biệt là cây lúa. Khi áp dụng hiệu quả sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”.
Sau buổi tập huấn, ban tổ chức cũng đã có buổi hướng dẫn trực tiếp tại đồng ruộng về quy trình và kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học giúp cho các học viên là nông dân nắm chắc quy trình sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng; từ đó, từng bước thay đổi hành vi của mình trong quá trình xử lý chất thải hữu cơ.
Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: “Chương trình tập huấn đã thu hút hàng trăm học viên là nông dân thuộc các hội nông dân cơ sở tham gia. Sau buổi tập huấn, Hội Nông tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền việc sử dụng các chế phẩm sinh học này đến các địa phương còn lại và trực tiếp phân phối sản phẩm nếu bà con có nhu cầu”.
Hà Nguyên