ClockThứ Tư, 12/05/2021 07:45

Xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên gia súc

TTH - Trên địa bàn tỉnh đã có 9 xã thuộc 4 huyện có gia súc bị dịch viêm da nổi cục (VDNC). Ngành chức năng đang tăng cường công tác tiêm phòng, hướng dẫn nông dân phòng chống dịch bệnh.

4 địa phương xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên bò

Triệu chứng bệnh viêm da nổi cục trên bò

9 xã xuất hiện dịch

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CCCN&TY, Sở NN&PTNT), dịch VDNC lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào ngày 21/4, đến nay có 9 xã thuộc 4 huyện: Quảng Điền (3 xã), Phong Điền (2 xã), A Lưới (3 xã) và Nam Đông (1 xã) xuất hiện dịch bệnh VDNC với tổng số bò bị mắc bệnh là 52 con.

Ông L.Q.N (Quảng Phú, Quảng Điền) cho biết, chăn nuôi nhiều năm nhưng chưa từng thấy bệnh “nổi cục” trên đàn bò của mình. Đầu tháng 5 xuất hiện dịch VDNC trên 1 con. Lúc mới xuất hiện bệnh vết nổi chỉ ở cổ, hầu sau đó lan ra nhiều nơi, bò có triệu chứng sốt, bỏ ăn.  Lo sợ lây lan, theo hướng dẫn của thú y cơ sở, gia đình ông liền “cách ly” cá thể bò này với những con khác.

“Theo hướng dẫn của cán bộ thú y, chính quyền địa phương, ngay sau khi xảy ra dịch bệnh trên đàn bò, gia đình đã tiêm thuốc tăng sức đề kháng, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, kháng viêm cho bò. Sau khoảng 1 tháng bệnh VDNC đã tiến triển thấy rõ”, ông N. nói.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, UBND huyện chỉ đạo ngoài kiểm tra thường xuyên các hộ chăn nuôi trên địa bàn, các địa phương còn vận động Nhân dân cần báo ngay cho thú y cơ sở diễn biến của bệnh VDNC để có liệu pháp phòng ngừa sớm, hướng dẫn chữa trị trên đàn gia súc.

Đến nay, Quảng Điền đã có 3 xã có dịch VDNC với số lượng 12 con bò. Huyện cũng xúc tiến bố trí kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng cho số trâu bò trên địa bàn, đến nay đã tiêm đạt tiến độ 85% với 2.600 mũi.

“Số trâu bò còn lại chủ yếu là con con hoặc chưa sinh sẽ được các địa phương thống kê danh sách để tiêm vắc xin bổ sung trong thời gian tới. Nhờ triển khai nhanh công tác tiêm vắc xin, phòng ngừa, điều bị bệnh nên số lượng trâu bò nhiễm bệnh VDNC trên địa  bàn ít và đều được điều trị khỏi”, ông Lự khẳng định.

Cũng theo CCCN&TY, toàn tỉnh hiện nay đã tiêm phòng vác xin để phòng dịch VDNC cho trâu bò được 9.855 liều, bố trí cho các địa phương 147 hóa chất tiêu độc khử trùng, 29 lọ (mỗi lọ 50ml) hóa chất diệt ve, mòng.

Tiến độ tiêm phòng tại các huyện Phong Điền đạt 76%, Quảng Điền 85%, Hương Trà 42%, A Lưới 4%, Phú Vang 6% và TX. Hương Thủy 28%. Còn lại các huyện khác chưa triển khai.

Không để dịch lây lan

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng CCCN&TY đánh giá, dịch VDNC trên trâu bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh cơ bản được phát hiện sớm, xử lý nhanh, chủ động trích kinh phí mua vắc xin tiêm phòng đạt tỷ lệ cao nên cơ bản các địa phương đã khống chế được dịch. Dịch xuất hiện ở phạm vi rải rác, số lượng nhỏ, đã được xử lý triệt để nên đến nay chưa gây chết gia súc nào.

Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay không thể chủ quan khi cả nước có 886 ổ dịch tại 131 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. Nguy cơ dịch VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng...).

UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT, các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm VDNC ở trâu, bò. Theo đó, các địa phương có dịch tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới. Hằng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chính quyền.

Hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh. Có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh và quản lý chặt chẽ, không di chuyển số trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi vùng dịch trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày, kể từ ngày con gia súc cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng và gia súc đã được tiêm vắc xin VDNC.

Đối với địa phương chưa có dịch VDNC, UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin VDNC, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện phòng, chống bệnh VDNC. Tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò tại các địa phương đã, đang có dịch VDNC và các địa phương có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100 km từ địa phương có dịch VDNC), bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 90% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.

Theo Sở NN&PTNT, kết quả đánh giá hiệu lực, giám sát sau tiêm phòng đối với các loại vắc xin phòng bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò có thể lựa chọn vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ, Mevac LSD của Ai Cập để tổ chức tiêm phòng khẩn cấp phòng, chống dịch VDNC. Lưu ý tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới có đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả. Tại nhiều địa phương, trâu, bò có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh lâm sàng, sau khi được tiêm vắc xin, gia súc có thể phát bệnh, chết, cần được xử lý theo quy định.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm đã xuất hiện ở khắp năm châu lục

Theo các quan chức y tế Liên hợp quốc, cúm gia cầm đã gây ra cái chết của hơn 300 triệu con chim trên toàn thế giới, ở 108 quốc gia trên khắp 5 châu lục và loại virus này “ngày càng vượt qua các rào cản về loài”.

Cúm gia cầm đã xuất hiện ở khắp năm châu lục

TIN MỚI

Trang home Mèo Cưng
Return to top