ClockThứ Sáu, 02/08/2019 14:05

Xuất khẩu nông sản sụt giảm khi thị trường chủ lực không còn dễ dãi

Thị trường chủ lực siết nhập khẩu tiểu ngạch và đưa ra các quy chuẩn khắt khe sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản sụt giảm.

Xuất khẩu nông, thủy sản: EVFTA mới chỉ là 'cánh cửa'Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng lâm sản chính tăng trưởng ấn tượngXuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản chính trong 4 tháng giảm 5,6%Xuất siêu 2,7 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp trong 4 tháng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm có dấu hiệu bấp bênh, khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đều sụt giảm đáng kể cả về giá trị kim ngạch và sản lượng. Nhóm hàng sụt giảm mạnh nhất lại là gạo, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn và gạo.

Không phải muốn xuất khẩu gì cũng được

Đáng chú ý, trong 8 nhóm hàng nông sản xuất khẩu chính thì thị trường Trung Quốc nhập khẩu đến 7 mặt hàng là rau quả, cà phê, hạt điều, chè, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su và sản phẩm cao su. Trung Quốc vốn là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, song những tháng đầu năm 2019 đã sụt giảm khá mạnh.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay đối với nhóm hàng nông sản chỉ thu về 2,85 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu riêng 6 nhóm hàng nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc đã đạt 3,233 tỷ USD. Như vậy trong vòng 1 năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm hơn 380 triệu USD, tương đương giảm gần 12%.

Chất lượng sản phẩm nông sản được nâng cao sẽ dễ tìm được thị trường xuất khẩu.

Riêng đối với mặt hàng gạo, số liệu thống kê cho biết, đến hết tháng 6/2019, lượng gạo xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 288.717 tấn với tổng kim ngạch gần 145,3 triệu USD. Trong khi gạo, sắn là mặt hàng được Trung Quốc ưa chuộng và nhập nhiều hàng năm thì lại nằm trong nhóm sụt giảm khá nặng.

Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 6/2019 của Việt Nam đạt 386,3 USD/tấn, giảm 2,91% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn giảm nhẹ, đạt 425 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng trước nhưng giảm 15,2% so với cùng kì năm 2018.

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 6/2019 ước đạt 131.000 tấn với giá trị đạt 51 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,2 triệu tấn và kim ngạch đạt 460 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và giảm 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Những dữ liệu nói trên cho thấy, một số sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực đã giảm đáng kể cả về sản lượng và giá trong vòng 6 tháng qua.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, Bộ NN&PTT cho biết, nhiều quốc gia nhập khẩu gần đây đã đưa ra nhiều quy định thắt chặt. Đặc biệt, việc Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch cũng như đưa ra các quy chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu… là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những tháng qua.

Chỉ rõ hơn về nguyên nhân này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như thực hiện thuế hóa nhiều mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn; các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực…

Với hàng loạt những thay đổi về nguyên tắc tại các thị trường nhập khẩu trong đó có thị trường nhập khẩu chủ lực là Trung Quốc đã gây nên sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những tháng qua.

Khắt khe về tiêu chuẩn là cơ hội

Nhận xét về sự sụt giảm kim ngạch nông sản xuất khẩu trong những tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, một thị trường nhập khẩu rất lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam như Trung Quốc một khi đã có những biện pháp thắt chặt nhập khẩu sẽ tất yếu dẫn đến sự sụt giảm kim ngạch.

“Có thể trong ngắn hạn gây ra những bất lợi cho kim ngạch xuất khẩu của chúng ta, nhưng về dài hạn đây lại là điểm tích cực”, TS. Võ Trí Thành đánh giá và nhận định, những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra chính là yếu tố để thúc đẩy các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.

“Tìm cơ hội xuất khẩu sẽ là “cuộc chơi lớn” mà Việt Nam phải chấp nhận trong xu thế hội nhập. Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường, các doanh nghiệp mới có thể vươn ra thế giới một cách bền vững, bất chấp mọi thị trường”, TS. Võ Trí Thành khuyến cáo.

Có thể thấy, trong vòng 6 tháng qua, những động thái tiêu cực từ phía các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đưa ra đã khiến các doanh nghiệp trong nước có cơ hội “nhìn lại mình”, thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng xuất khẩu như trước đây.

Đây chính là lúc các doanh nghiệp nỗ lực nâng cấp hệ thống quản lý và đầu tư vào giá trị sản phẩm, chủ động hơn trong việc mở rộng liên kết với nông dân, đầu tư cho dây chuyền sản xuất, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, các sản phẩm nông sản sạch, an toàn... trong xu hướng hội nhập toàn cầu và trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nhiều chuyên gia cho rằng, không khó hiểu và đương nhiên trong xu hướng thương mại hóa toàn cầu có sự ảnh hưởng của chính sách bảo hộ, những yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa ngày càng được nhiều quốc gia đề cao, coi đó là hàng rào kĩ thuật để hạn chế những mặt hàng kém chất lượng đồng thời bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Chính vì thế, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao vẫn là giải pháp hàng đầu cho các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, khi muốn tăng kim ngạch xuất khẩu. Sẽ không còn thị trường nào có sự dễ dãi trong nhập khẩu hàng hóa có chất lượng thấp. Điều này rất dễ có nguy cơ trở thành cái bẫy, khi các doanh nghiệp cố tình cung ứng những sản phẩm kém chất lượng để rồi phải chịu mọi chi phí khi hàng hóa bị nước nhập khẩu trả về.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoạt động sản xuất của châu Á giảm do nhu cầu ảm đạm

Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global và au Jibun Bank công bố vào ngày 2/10, hoạt động của các nhà máy trong khu vực châu Á hầu hết trở nên tồi tệ hơn trong tháng 9 do nhu cầu hàng hoá ảm đạm khiến sản lượng và số việc làm mới giảm.

Hoạt động sản xuất của châu Á giảm do nhu cầu ảm đạm
Những ngành nghề đang cắt giảm lao động

Theo tổng hợp từ các sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), do đơn hàng sút giảm nên nhiều lao động tại các địa phương cũng bị ảnh hưởng đến việc làm. Trong đó, các ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... bị tác động nhiều dẫn đến cắt giảm lao động.

Những ngành nghề đang cắt giảm lao động
Đại dịch ở châu Á đang kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng

Trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, một sự sụt giảm tương tự trong doanh số bản lẻ cũng được nhìn thấy ở các nền kinh tế khác ở thị trường châu Á.

Đại dịch ở châu Á đang kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng

TIN MỚI

Return to top