Giải mã kỳ tích xuất khẩu của mặt hàng này, không ít chuyên gia cho rằng đây là một kết quả xứng đáng những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian dài. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý tới những quy định nghiêm ngặt từ các thị trường bởi đây là những nút thắt nhưng cũng là lực đẩy để rau quả Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế.
Nâng chất cho sản phẩm
Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, rau quả tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng nông sản ngay từ đầu năm 2018. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ngành rau quả Việt Nam đã thành công rực rỡ khi chinh phục được nhiều thị trường khó tính và có mặt tại kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng ở hơn 60 quốc gia.
Kiểm tra chất lượng và số lượng lá tía tô xanh trước khi đóng hộp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, quý I/2018, các mặt hàng rau quả xuất khẩu ước đạt 934 triệu USD, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, mặt hàng quả đạt 752 triệu USD, tăng 27%; còn lại là rau (98 triệu USD, giảm 3%) và các mặt hàng khác (84 triệu USD, tăng 14%). Thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm 77% thị phần; tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..
Đặc biệt, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả vượt qua dầu thô. Câu chuyện tăng trưởng của mặt hàng này đã mở ra triển vọng mới cho nông sản Việt Nam khi từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Cùng quan điểm này, không ít chuyên gia thương mại cũng cho rằng, rau quả Việt Nam được ví như “con thuyền lội ngược dòng” khi từng bước vượt qua khó khăn để cán đích, có mặt ở nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản...
Dù điều kiện sản xuất gặp khó khăn và thường xuyên phải đối mặt với những trận bão lớn, mưa nhiều… nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn tìm ra được lối đi riêng, nỗ lực vượt khó. Đặc biệt, bên cạnh các thị trường truyền thống, rau quả Việt Nam đang được nhiều thị trường khó tính để mắt và quan tâm. Ngay sau lô vú sữa đầu tiên được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ hồi cuối tháng 12/2017, tính đến hết tháng 2/2018, đã có tổng cộng 134 lô vú sữa được xuất khẩu vào thị trường này với khối lượng khoảng 230 tấn.
Không dừng lại ở đó, Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục mở cửa cho trái xoài Việt Nam vào cuối năm 2017 và dự kiến, trong tháng 4/2018, lễ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sẽ được thực hiện, mở rộng cửa hơn cho trái cây Việt Nam vào thị trường này. Ngoài ra, tiếp theo trái vải, xoài và thanh long được xuất khẩu vào Australia, nhiều khả năng quả nhãn tươi của Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Australia kể từ đầu năm 2019. Đây là thông tin tốt cho ngành trái cây Việt Nam dù Australia là một nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao.
Đánh giá từ giới phân tích cho thấy, việc gia tăng xuất khẩu rau quả vào các thị trường khó tính không chỉ giúp tăng kim ngạch cho ngành rau quả mà còn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm này. Chẳng hạn như với thị trường Hoa Kỳ, để được cấp phép xuất khẩu, vùng trồng phải đáp ứng được những quy định khắt khe. Do đó, tại vùng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) - khu vực đầu tiên được xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác, hạn chế phun các loại thuốc mà phía Hoa Kỳ đã cảnh báo. Hơn nữa, người dân nơi đây còn phải tiến hành bao trái, cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Đổi lại, trái vú sữa xuất khẩu tại vườn được bán với giá cao gấp 3 lần trong nước.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Australia cho rằng, tìm được thị trường cho xuất khẩu rau củ quả đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn. Vì vậy, để rau quả Việt có thể giữ vững được thị phần tại những thị trường đã chạm được chân tới, một trong những yếu tố cốt lõi vẫn phải là gia tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo tốt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi tất cả những thị trường hiện nay đều rất khắt khe, có những yêu cầu cao về vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm.
Chuyển biến nhận thức
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về xuất khẩu, ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khẳng định: Những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản… đang mở cửa nhiều hơn với các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn hơn nếu đẩy mạnh khâu giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế như: Anuga (Đức), Sial (Pháp), Moscow (Nga), Foodex (Nhập Bản)… để gặp gỡ khách hàng toàn cầu, đồng thời nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từng khu vực. Tuy nhiên, để khẳng định vị thế và nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh làm trái cây chế biến, giúp tăng giá trị của các sản phẩm lên từ 10 - 20 lần so với trái cây tươi.
Còn với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC) đã đầu tư khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam với quy mô hơn 100 ha và tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Bà Trần Kim Liên, Tổng giám đốc NSC cho biết, khu sản xuất với hệ thống 100% nhà kính điều khiển hoàn toàn tự động đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ được ứng dụng theo công nghệ Isarel và Nhật Bản nhằm phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm có thế mạnh như rau quả nông sản cao cấp.
Bưởi da xanh cũng là một trong những mặt hàng nông sản được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Công ty hy vọng đây sẽ là đơn vị sản xuất dưa lưới lớn nhất miền Bắc phục vụ nội địa và xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ với quy mô doanh thu trên 3 tỷ đồng/ha/năm.
Đặc biệt, công ty đang tập trung phát triển mặt hàng dưa lưới công nghệ cao trong năm 2018 và đích xa hơn nữa là hướng tới xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khó tính khác.
Để tạo được sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu của ngành rau củ quả Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần đưa lĩnh vực rau quả vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia từ nay đến năm 2020.
Cùng đó, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp đồng bộ, khoa học, hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau quả bằng việc tối ưu hóa quy trình sản xuất công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng hệ thống phân phối cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm ra nước ngoài.
Bên cạnh hỗ trợ từ phía nhà nước, các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức kinh doanh, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm phù hợp và hình thành chuỗi liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo BáoTin tức