Lãi cao
Vốn là con nhà nông thứ thiệt, ông Phạm Xược (56 tuổi, thôn Kế Võ) sống nhờ vào mẫu ruộng trồng lúa nước và một ít diện tích hoa màu. Khoảng hơn 5 năm trước, ông quyết định chuyển đổi diện tích cây trồng trên vùng rú cát để trồng ớt trái vụ. Đến nay, ông là một trong những hộ dân có diện tích trồng ớt trái vụ lớn ở Vinh Xuân.
|
Mô hình ớt trái vụ mang lại thu nhập cao cho hàng chục hộ dân ở Vinh Xuân
|
Ông Xược cho biết: “Trước đây, một số cây trồng trên vùng rú cát như, khoai, sắn không cho thu nhập cao mà diện tích đất ở đây lại rộng rãi, thấy rứa tui liền tận dụng diện tích đất này trồng ớt trái vụ. Ban đầu, trồng ớt trên cát trắng ai cũng nghĩ là lạ nhưng ở Vinh Xuân, mô hình này mang lại thu nhập cao cho nhiều bà con”.
Trước khi bắt tay vào trồng ớt trái vụ, ông Xược “nghiên cứu” kĩ lưỡng tiết trời trái vụ cũng như kĩ thuật chăm sóc ớt, cách cải tạo đất, tưới tiêu. Sau mỗi vụ, mỗi sào ớt của ông Xược cho thu nhập 14 triệu đồng. “Trồng ớt trái vụ vào khoảng từ tháng 7 – 9 âm lịch. Lúc trồng vụ mới thì cần đào đất xuống gần một gang tay đem vứt bỏ, sau đó chở đất trắng tinh lấp vào, lên luống cao khoảng 20 phân, rộng cỡ 1 mét. Cứ mỗi sào phải độn khoảng 15 đến 20 xe trâu đất trắng. Trong quá trình trồng cần chăm sóc tỉ mỉ, tưới tiêu phải thật đều đặn”, ông Xược chia sẻ.
Theo nhiều người trồng ớt trái vụ ở Vinh Xuân, mỗi sào ớt trái vụ cho thu nhập gấp 5 lần so với trồng ớt đúng vụ. Trong khi trồng ớt đúng vụ trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của thời tiết như bão, lũ thì trồng trái vụ trên độn cát lại gặp nhiều thuận lợi. “Nhiều năm trước, ở Vinh Xuân chỉ có 3 hộ trồng ớt trái vụ. Sau khi thu hoạch, cứ 2 thúng ớt đổi được 3 thúng gạo. Bây giờ, một mẫu ruộng nếu không được mùa thì thu nhập không bằng một sào ớt trái vụ”, ông Nguyễn Năm (70 tuổi, thôn Kế Võ) tâm sự.
Để trồng ớt trái vụ, các hộ dân ở Vinh Xuân phải chuẩn bị nguồn giống từ những ruộng ớt đúng vụ. Về cơ bản, kĩ thuật chăm sóc giống như trồng ớt thông thường. “Sau mùa ớt đúng vụ, tụi tui chọn những hạt giống chín già, không sâu bệnh rồi đem bảo quản. Tụi tui thường chọn giống ớt chìa vôi vì được thị trường ưa chuộng. Đến mùa khô, gieo hạt giống vào bầu, khoảng độ một tháng, cây con cao bằng ngón tay thì chuyển ra trồng. Ớt sau khi thu hoạch được các thương lái trên thành phố đến thu mua với giá cao, có lúc lên đến 30 nghìn đồng/kg”, ông Năm nói.
Mở rộng diện tích
Ông Tô Đông Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vinh Xuân cho biết: “Cùng với nhiều mô hình kinh tế khác, mô hình trồng ớt trái vụ mang lại thu nhập cao cho nhiều bà con. Mặc dù đầu tư không lớn nhưng lợi nhuận mang về gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Bây giờ, nhắc đến Vinh Xuân thì ai cũng nghĩ ngay đến ớt trái vụ”.
Nếu như những năm trước, trồng ớt trái vụ ở Vinh Xuân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ thì đến nay diện tích được mở rộng lên 2ha. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư đường sá, máy bơm nước bằng điện để phục vụ cho việc tưới tiêu. “Trước đây, mỗi lần tưới tiêu phải gánh nước từ nhà đến nơi trồng để tưới rất mất công nhưng nay tui đầu tư hẳn một mô tơ bơm nước ngay tại chỗ để phục vụ tưới tiêu. Bây giờ, tui trồng hơn 3 sào ớt trái vụ thu về gần 50 triệu đồng/vụ. Vào vụ tới, tui sẽ mở rộng diện tích trồng”, ông Xược bày tỏ.
Sau khi nhận thấy hiệu quả của trồng ớt trái vụ, chính quyền xã Vinh Xuân tổ chức các đợt tập huấn để bà con nắm vững kĩ thuật trồng; đồng thời hỗ trợ người dân về nguồn vốn nhằm khuyến khích bà con mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết: “Mô hình trồng ớt trái vụ được triển khai rộng rãi ở Vinh Xuân vào khoảng 4 năm trước. Hiện nay, diện tích ớt trái vụ ở địa bàn xã đã được mở rộng lên 2 ha, gồm 37 hộ dân trồng, chủ yếu tập trung ở 2 thôn Kế Võ và Xuân Thiên Thượng. Sau khi thu hoạch, ớt trái vụ được thị trường ưa chuộng. Vừa qua, UBND xã phối hợp với các ban ngành mở lớp tập huấn về kĩ thuật trồng cho bà con. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 37 triệu đồng cho 2 ha ớt trái vụ”.
Ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang cho hay: “Cây ớt có đặc trưng thích ứng với vùng cát ven biển. Mô hình này sẽ tạo ra vùng chuyên canh trồng ớt. Chúng tôi đã hỗ trợ bà con về mặt kĩ thuật như, cử cán bộ về hướng dẫn bà con về cách chọn giống, làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu. Cái khó của bà con nơi đây là cự ly giữa vùng trồng ớt và khu dân cư nằm cách xa nhau dẫn đến nguồn nước tưới tiêu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, đường sá chưa được đầu tư nên khâu vận chuyển sản phẩm gặp khó khăn”. “Theo kiến nghị của bà con, những vùng đất cát chưa được sử dụng ở Vinh Xuân sẽ được mở rộng để trồng ớt. Tuy nhiên, quy mô giữa cung và cầu vẫn còn lưng chừng nên muốn nhân rộng mô hình thì cần có sự liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm”, ông Thao cho biết thêm.