Dệt may - một trong những ngành chủ lực của tỉnh vẫn đạt tăng trưởng khá nhờ phát huy năng lực tăng thêm
Từ đầu năm đến nay, dù phần lớn các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, giá xăng dầu... diễn biến phức tạp, nhưng tổng quan, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đạt tăng trưởng đáng ghi nhận, qua đó, tạo thêm giá trị xuất khẩu (năng lực tăng thêm) cho ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước tăng từ 8 - 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Dự ước, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 41.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (đạt 97,9% kế hoạch năm 2022 đề ra là 42.600 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo Sở Công thương, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, thì tác động từ chính sách của Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên thị trường tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, mở rộng tiêu thụ, qua đó, trong năm 2022, các ngành công nghiệp chính trên địa bàn tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và vượt chỉ tiêu đề ra.
Qua thống kê, sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: bia, ước đạt 330 triệu lít, tăng 25%; dăm gỗ ước đạt 811,7 nghìn tấn, tăng 20,8%; sợi các loại 108.500 nghìn tấn, tăng 3,9%; quần áo lót 418,6 triệu sản phẩm, tăng 3,8%; quần áo may sẵn 64 triệu sản phẩm, tăng 8,1%; men frit ước đạt 295,9 nghìn tấn, tăng 11,1%… Trong đó, bia là mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong những năm trở lại đây và vượt 26,9% so với kế hoạch đề ra là 260 triệu lít.
“Bên cạnh thị trường truyền thống, như: Huế, Quảng Trị ổn định; các thị trường Thanh Hóa, Hà Nội, Sơn La... tiêu thụ thuận lợi, đáng chú ý, thị trường tiêu thụ bia ở Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng đột phá trong năm 2022 khi sản lượng tiêu thụ tại Đà Nẵng, Quảng Nam tăng khoảng 250-350%; TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 100 - 120% so với cùng kỳ năm trước. Điều này vừa tạo động lực thúc đẩy sản lượng đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, vừa đóng góp quan trọng về duy trì tăng trưởng chỉ số IIP trên địa bàn tỉnh trong năm nay”, lãnh đạo Sở Công thương cho hay.
Tuy tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine cùng một số yếu tố khách quan, dẫn đến các thị trường tiêu thụ chính của ngành dệt may, như: EU, Mỹ, Trung Quốc... gặp khó khăn nhưng nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển khá tốt trong quý I, quý II. Bên cạnh đó, việc các dự án mới, như: nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina, nhà máy sợi của Công ty CP Sợi Phú Bài, Công ty CP Vinatex Phú Hưng đi vào hoạt động năm 2021 và các dự án Nhà máy may xuất khẩu số 2 của Công ty CP Dệt may Phú Hòa An (công suất 2 triệu sản phẩm/năm); nhà máy nâng công suất của Công ty Scavi tại KCN Phong Điền… đi vào hoạt động trong năm 2022 đã phát huy năng lực tăng thêm, góp phần thúc đẩy ngành dệt may đạt tăng trưởng khá.
Ngoài ngành dệt may, năng lực tăng thêm năm nay chủ yếu còn từ việc phát huy hiệu quả năng lực tăng thêm của các dự án đưa vào hoạt động trong năm 2021, 2022, như: chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao; ván nhân tạo MDF; sản xuất mũ thể thao và túi du lịch; sản xuất, chế biến các loại hạt nông sản; khai thác, chế biến đá gabro làm ốp lát...
Dự kiến, một số dự án lớn như: dự án nhà máy sản xuất găng tay sử dụng 1 lần và sợi polyethylen (Công ty Kanglongda International Holding Limited tại KCN Phong Điền); dự án sản xuất máy biến dòng (Công ty TNHH Điện tử Trạch Lãng tại KCN Tứ Hạ); dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ ô tô (Công ty Nakamoto Packs tại KKT Chân Mây - Lăng Cô)... sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2023, qua đó, tiếp tục phát huy năng lực tăng thêm cho ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG