Dịch vụ trải nghiệm phá Tam Giang thu hút du khách
Nâng tầm dịch vụ
Sau đại dịch COVID-19, khi hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường, 2 anh Hoàng Đức Phương và Lê Viết Thắng quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở nhà hàng dịch vụ ăn uống ở Khu dịch vụ Đông xã Quảng Lợi (cạnh bến đò Cồn Tộc). Thực khách đến với nhà hàng có thể thỏa sức lựa chọn các món đặc sản tươi sống của vùng đầm phá Tam Giang vừa bắt lên được nuôi tại bể. Nhà hàng còn có dịch vụ thuê xe địa hình ATV; liên kết chở du khách trải nghiệm phá Tam Giang bằng thuyền; chèo thuyền SUP…
Anh Hoàng Đức Phương, chủ nhà hàng cho biết, khu vực này một thời tấp nập nhưng các dịch vụ quanh đây còn nghèo nàn, chỉ vài ba quán hàng tạp hóa, nước giải khát, quán ăn uống nhỏ lẻ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không ai dám mạo hiểm đầu tư thêm. Từ đầu năm 2022 trở lại đây, khi dịch bệnh tạm lắng, huyện Quảng Điền có sự đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đầm phá, ven biển, các dịch vụ hàng quán, nhà hàng, nhà nghỉ tại khu vực này bắt đầu được nâng cấp, làm mới, từng bước đáp ứng nhu cầu du khách, người dân.
Tại Khu dịch vụ Đông xã Quảng Lợi và bến đò Cồn Tộc hiện có 8 nhà hàng, dịch vụ ăn uống tương tự được đầu tư quy mô phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Phía bên kia biển, khu du lịch biển Tân Mỹ (Quảng Ngạn) cũng hình thành nhiều dịch vụ hàng quán. Vào mùa hè, hằng ngày tại các điểm du lịch, nhà hàng ở các khu vực này thu hút một lượng lớn du khách, người dân đến ăn uống, thưởng thức những món đặc sản vùng đầm phá của ngư dân bản địa. Điều này cho thấy, du lịch sinh thái cộng đồng vùng đầm phá, vùng biển Quảng Điền đang có bước phát triển tích cực.
Bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đã và đang được đầu tư khai thác, mở rộng theo định hướng, quy hoạch bài bản. Các tour, tuyến du lịch tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thành, Quảng Phú, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đầm phá Tam Giang ngày càng hình thành rõ nét và mang tính đặc trưng như làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh. Du khách đến với Quảng Điền còn được người dân bản địa hướng dẫn, tham gia các hoạt động, trải nghiệm làng rau Thành Trung, làng rau Ngư Mỹ Thạnh, sản phẩm HTX Mây tre đan Bao La…
Cùng với đó, các hạng mục hạ tầng thiết yếu đang được đầu tư, từng bước khai thác ở Khu dịch vụ Đông xã Quảng Lợi và khu vực bến đò Cồn Tộc, hai bên cầu Tứ Phú, bãi biển Quảng Công, Quảng Ngạn, trung tâm thương mại huyện, chợ trung tâm các xã. Các dịch vụ du lịch đang phát triển, các tour du lịch cộng đồng, tham quan, lễ hội tăng về số lượng và chất lượng phục vụ…
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo đánh giá, các loại hình dịch vụ ở Quảng Điền đang phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu phân phối hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản cho người dân. Ngoài dịch vụ ăn uống, du lịch, trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh các dịch vụ vận tải, nhà hàng, thương mại, ngân hàng. “Tốc độ tăng trưởng bình quân các loại hình dịch vụ trong 5 năm qua của Quảng Điền được đặt ra là tăng 17- 18% (chiếm 45% tổng giá trị sản xuất toàn huyện). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên vẫn chưa đạt như kỳ vọng” - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thông tin.
Khai thác dịch vụ từ tiềm năng đầm phá
Tháng 5/2022, Hội nghị Huyện ủy Quảng Điền đã bàn và ra Nghị quyết về phát triển dịch vụ huyện Quảng Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội nghị thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để xây dựng mục tiêu: “Tập trung xây dựng Quảng Điền trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch phía bắc của tỉnh theo hướng cảnh quan sinh thái biển, đầm phá, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng; cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, mang tính đặc trưng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao”.
Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng cho rằng, phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch là một trong những hướng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện. Thời gian đến, huyện tiếp tục chỉ đạo đầu tư, từng bước hình thành rõ nét hơn Khu dịch vụ Đông xã Quảng Lợi và khu vực bến đò Cồn Tộc, hai bên cầu Tứ Phú, bãi biển Quảng Công, Quảng Ngạn, trung tâm thương mại huyện, chợ trung tâm các xã… Huyện hướng đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt 13-14%/năm; tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu ngành kinh tế chiếm trên 45%; lao động dịch vụ chiếm 35%; nguồn thu cho ngân sách từ dịch vụ chiếm 67%.
Để làm được điều này, Quảng Điền tiếp tục triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, tạo cơ sở kêu gọi các dự án đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, đảm bảo hài hòa lợi ích trong khai thác tài nguyên thiên nhiên. Huyện liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, đầm phá, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện hình thành một số tour, tuyến du lịch thường xuyên về địa bàn và khu ẩm thực đặc sản vùng biển và đầm phá; tăng cường xúc tiến, giới thiệu, quảng bán hình ảnh, tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch của huyện; kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô, tầm chiến lược để tạo sự chuyển biến mạnh về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hướng đến xây dựng đạt huyện NTM nâng cao.
Bài, ảnh: Thái Bình