|
Tăng cường công tác thu gom và xử lý thực bì PCCCR |
Quản lý và bảo vệ rừng
Thành phố Huế có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 8.373ha, được phân bổ trên địa bàn 16 xã, phường, bao gồm diện tích rừng hơn 7.918ha, diện tích đất lâm nghiệp hơn 455ha; độ che phủ rừng 26,22%. Công tác phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn thành phố ngày càng khó khăn, áp lực với việc phát triển dân sinh kinh tế, các dự án, các tuyến đường... ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp cùng với các hình thái thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Mặc khác, một số chủ rừng chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), PCCCR; một số diện tích rừng thông nằm sát khu vực dân cư nên nguy cơ cháy rất cao.
Cùng với công tác QLBVR, PCCCR luôn được các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố chú trọng và triển khai thường xuyên, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động vào mùa nắng nóng, tăng cường kiểm soát nguồn lửa gây cháy rừng, trong đó có việc xác minh thông tin báo cháy trên Hue-S, xây dựng quy trình thực hiện, đảm bảo tính kịp thời, chính xác vị trí, địa điểm phát cháy ngay từ ban đầu, làm cơ sở cho việc huy động lực lượng, phương tiện cũng như cách thức chữa cháy nhằm nhanh chóng dập tắt đám cháy. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm thường xuyên bám cơ sở, tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra, trực phòng cháy tại hiện trường trong những ngày nắng nóng cao điểm, ngày rằm, dịp lễ, tết… nhằm ngăn chặn việc sử dụng lửa bất cẩn trong các hoạt động thắp hương viếng mộ, đốt vàng mã tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, như núi Ngự Bình, Tam Thai, Thiên Thai, Chín Hầm, Động Tranh, Vọng Cảnh; phối hợp với các chủ rừng, chính quyền địa phương có rừng thông tổ chức phát dọn thực bì, giảm vật liệu cháy tại các diện tích rừng thông dễ cháy nhằm hạn chế thấp nhất việc cháy rừng xảy ra.
Trong năm 2023, do thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài nên đã xảy ra 27 vụ cháy rừng. Song, nhờ công tác huy động, phối hợp lực lượng tham gia chữa cháy có nhiều đổi mới, việc xác minh đúng vị trí và đặc điểm địa hình của các điểm phát cháy góp phần cho xe cảnh sát PCCC có thể tiếp cận và luôn được hỗ trợ kịp thời, qua đó đẩy nhanh việc dập tắt đám cháy, hạn chế thiệt hại do cháy rừng với diện tích cháy là 18,38ha, thiệt hại về rừng 3,67ha.
Bên cạnh QLBVR, công tác bảo tồn thiên nhiên cũng được Hạt Kiểm lâm thành phố chú trọng, trong đó việc quản lý trại nuôi động vật rừng; tiếp nhận, cứu hộ động vật rừng thường xuyên triển khai. Năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận 35 vụ với 44 cá thể động vật hoang dã do 34 cá nhân và 1 tổ chức tự nguyện giao nộp. Căn cứ vào đặc điểm sinh thái và môi trường sống của từng loài, Hạt Kiểm lâm thành phố phối hợp với Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn Sao La và Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thả các cá thể nói trên về đúng với môi trường tự nhiên.
Phát triển lâm nghiệp bền vững
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Huế, ông Lê Nhân Đức, năm 2024 dự đoán có khả năng nắng nóng kéo dài trên nền nhiệt độ cao dẫn đến nguy cơ cháy rừng lớn, trong khi một số diện tích rừng thông đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn thành phố nằm xen kẽ giữa các khu vực dân cư, nghĩa trang, nguy cơ cháy rừng luôn rất cao nên TP. Huế tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác QLBVR. Mặt khác, bên cạnh nhu cầu về xây dựng nhà cửa, chế biến lâm sản thì buôn bán động thực vật rừng trái phép ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm và sự chủ động, quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền giáo dục, đặc biệt là giám sát của chính quyền địa phương đối với các hoạt động chuyển đổi trái phép đất rừng, kinh doanh, chế biến lâm sản, buôn bán động thực vật rừng trái phép trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng, không để xảy ra các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật nhằm bảo vệ tốt tài nguyên rừng trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời; bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã trên địa bàn. Trong đó, phối hợp giữa các lực lượng công an, dân quân tự vệ với kiểm lâm địa bàn kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực QLBVR và PCCCR.
Nhiệm vụ quan trọng nữa đó là thực hiện các hoạt động ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp tại địa phương, tăng cường quản lý các đối tượng khai thác xâm hại tài nguyên rừng; giám sát hoạt động các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng để quản lý, bảo vệ, nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý rừng của các chủ rừng. Đồng thời, tăng cường giám sát việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, phối hợp chặt chẽ với phòng tài nguyên môi trường, UBND các phường, xã, các phòng ban liên quan hướng dẫn, tham mưu các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với các dự án trên địa bàn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững.