ClockThứ Tư, 23/09/2020 06:05

Phú Lộc hướng đến vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh

TTH - Phú Lộc xác định chuyển dịch kinh tế theo hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp sẽ tạo bước đột phá cho nền kinh tế. Ưu tiên khai thác hiệu quả các khu vực kinh tế này để phát triển nhanh, phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vữngThúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất ở Công ty TNHH Vitto tại Khu Công nghiệp La Sơn

Khơi thông tiềm năng

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh phân tích về những chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của Phú Lộc nhiệm kỳ qua, cho thấy một biểu đồ ấn tượng với các khu vực kinh tế dịch vụ - du lịch và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Trong đó, ngành dịch vụ phát triển đa dạng, giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 15,8%, chiếm tỷ trọng 60,5% hiện nay. Dịch vụ phát triển góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy nền kinh tế.

Dịch vụ du lịch trên địa bàn phát triển đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, với nhiều loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa, cộng đồng, du lịch tâm linh... Nhiều dự án (DA) có quy mô lớn được đầu tư đưa vào khai thác có hiệu quả, tạo thương hiệu trong nước và quốc tế như Laguna, Vedana Lagoon, Khu du lịch quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô; các điểm du lịch sinh thái Bạch Mã Village, Suối Tiên, thác Nhị Hồ, biển Cảnh Dương - Bình An... Nhờ vậy, doanh thu du lịch tăng bình quân 8,1%/năm.

Để đạt được mức tăng trưởng khu vực kinh tế này, huyện đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Nhờ có chính sách phù hợp, tại một số xã, thị trấn Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô, các loại hình dịch vụ phát triển mạnh, ngày càng tăng về số lượng và quy mô đầu tư. Hệ thống nhà hàng, khách sạn ngày càng được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Lĩnh vực CN - TTCN cũng rất sôi động trên địa bàn với nhiều DA như sản xuất men frit, gạch men của Công ty TNHH Vitto; DA Đầu tư khai thác và chế biến đá Gabro của Công ty CP Đầu tư Vạn Xuân - Huế; DA sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty Biilon Max Việt Nam; DA nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina... Các cơ sở may gia công theo tổ, nhóm, hộ gia đình cũng phát triển mạnh với hơn 437 điểm may gia công; các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông lâm thủy sản được quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất. Giá trị sản xuất CN - TTCN giai đoạn 2016 - 2020 của huyện tăng bình quân 10,1%/năm, chiếm tỷ trọng 33,3%.

Không chỉ ở Chân Mây - Lăng Cô, tại các xã Lộc Vĩnh, Lộc Sơn… ngày càng thấy rõ sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực CN - TTCN.

Tại xã Lộc Sơn, khu công nghiệp La Sơn có quy mô trên 300ha hình thành trên địa bàn thu hút nhiều công ty đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động địa phương. Hàng chục cơ sở tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề có chiều hướng phát triển mạnh, mở ra điều kiện kinh doanh thuận lợi trong khu vực kinh tế này. Lãnh đạo xã Lộc Sơn cho biết, hiện tại, địa phương có 21 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN và kinh doanh các loại hình dịch vụ công nghiệp.

Chiến lược phát triển

Thời gian tới, Phú Lộc xác định chuyển dịch kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, du lịch - một lĩnh vực dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp sẽ tạo bước đột phá. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao. Mục tiêu của huyện là phối hợp xây dựng khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Có giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng Vườn Quốc gia Bạch Mã và các dịch vụ trên biển, đầm phá để thu hút du khách. Phấn đấu tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 63% trong giai đoạn 2020-2025.

Cùng với dịch vụ du lịch, Phú Lộc ưu tiên tạo điều kiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ điều kiện để triển khai các DA sản xuất lắp ráp ôtô, nhà máy điện khí hydro, dệt may... Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng như chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ, khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng... Phấn đấu lao động công nghiệp sẽ chiếm 34% lao động xã hội trên địa bàn.

Để thực hiện mục tiêu trên, Phú Lộc chú trọng xây dựng giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.

“Huy động tốt mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế theo hướng bền vững; đặc biệt, chủ động phối hợp cùng với tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển nhanh Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu Công nghiệp La Sơn, đầm Cầu Hai và Vườn Quốc gia Bạch Mã. Tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Phú Lộc trở thành vùng kinh tế trọng điểm, phát triển nhanh, bền vững của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Cô Trần Đình Vui: Phát triển các ngành dịch vụ quan trọng

Lĩnh vực dịch vụ - du lịch (DV-DL) trên địa bàn thị trấn Lăng Cô có sự chuyển biến tích cực, bước đầu xây dựng được thương hiệu, hình ảnh du lịch Lăng Cô. Tỷ trọng ngành DV-DL ngày càng tăng, với tổng giá trị đạt 1.903,5 tỷ đồng (tăng bình quân hàng năm 19,36%), chiếm 80,93% trong cơ cấu kinh tế.

Cơ sở vật chất ngành DV-DL được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhiều loại hình DV-DL mới, đa dạng như nghỉ dưỡng, sinh thái biển được phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn có 47 khách sạn với 720 phòng, 1.125 giường nghỉ; có 5 khu resort cao cấp đạt tiêu chuẩn từ 2-3 sao; nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị được cấp phép đầu tư mới và đưa vào đón khách. Các dịch vụ trên biển, đầm phá được tận dụng khai thác như dịch vụ lướt sóng, tham quan đầm Lăng Cô...

Trong định hướng giai đoạn tới, Lăng Cô được chủ trương phát triển lĩnh vực dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá, là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực chính thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, phát triển DV-DL chất lượng cao. Trong đó, tạo cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ngày càng phát triển quy mô tầm khu vực và quốc tế. Gắn phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy danh hiệu Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ quan trọng, như tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp...Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các DN FDI đầu tư vào Lăng Cô; từng bước xây dựng Lăng Cô trở thành trung tâm DV-DL năng động của miền Trung và cả nước.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn Đỗ Ngọc Lành:Ưu tiên kết cấu hạ tầng

Đầu tháng 3/2020, Lộc Sơn được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Là trung tâm tiểu vùng phía Bắc huyện Phú Lộc, đô thị La Sơn đóng vai trò trung tâm công nghiệp – dịch vụ, thu hút nguồn nhân lực phía Nam của tỉnh và khu vực phụ cận. Đây còn là trung tâm giao thương hàng hóa vùng liên huyện Phú Lộc – Nam Đông và TX. Hương Thủy, đầu mối giao thông vùng liên huyện có tuyến QL1A, đường Hồ Chí Minh đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn – Túy Loan đi qua. Việc lãnh đạo khai thác hiệu quả các tiềm năng, xây dựng La Sơn xứng tầm đô thị là nhiệm vụ trọng tâm của Lộc Sơn trong nhiệm kỳ mới.

Khu công nghiệp La Sơn quy mô trên 300ha ở địa bàn đã thu hút nhiều công ty đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động địa phương. Hàng chục cơ sở tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề phát triển mạnh, mở ra điều kiện kinh doanh thuận lợi trong khu vực, đưa các loại hình thương mại, dịch vụ của địa phương… chiếm gần 50%, góp phần đảm bảo tiêu chí mức tăng trưởng kinh tế trong phát triển đô thị.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025, Lộc Sơn chủ trương ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, thu hút người dân phát triển thương mại, dịch vụ trên tuyến QL1A và cao tốc La Sơn – Túy Loan đi qua. Địa phương xây dựng phương án phát triển đô thị, tạo sự kết nối hài hòa, phát huy vị thế của khu vực La Sơn, trung tâm giao thương hàng hóa vùng liên huyện Phú Lộc – Nam Đông và TX. Hương Thủy. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý theo đúng các phân khu chức năng như khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu dân cư, trụ sở cơ quan, di tích, văn hóa và các khu thương mại, dịch vụ. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy việc quản lý quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị và huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực phát triển công nghiệp - TTCN, thương mại, dịch vụ là khâu trung tâm để thực hiện chiến lược phát triển đô thị.

Quốc Tuấn (ghi)

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số

Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là chương trình trọng điểm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số
Hướng đến sản xuất xanh

Tăng trưởng xanh - sản xuất xanh là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang hướng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phù hợp với xu hướng chung của thị trường trong và ngoài nước.

Hướng đến sản xuất xanh
Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.

Tăng tốc trên các công trình trọng điểm
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Return to top