|
Khó khăn nhất khi triển khai các trạm phát sóng mới trên tuyến cao tốc là những thủ tục xin cấp đất để đặt trạm. Ảnh: M.Q |
Nhiều đoạn “trắng” sóng
Thường xuyên lái xe dịch vụ chở khách từ Huế đi Quảng Trị và vào Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Hải chọn tuyến cao tốc La Sơn - Cam Lộ và La Sơn - Túy Loan để đi vì hiện nay tuyến này vẫn chưa thu phí. Dù chi phí tiết kiệm gần bằng tiền xăng, nhưng nếu phải đi lại vào ban đêm và những ngày thời tiết xấu, anh vẫn chọn đường quốc lộ cho an tâm.
Theo anh Hải, tuyến cao tốc này rất hiếm nhà dân, nhiều đoạn chạy hơn 20km không có khu vực dân cư, đường chưa có đèn, thiếu vắng công trình phụ trợ, thậm chí vẫn còn nhiều đoạn đang chờ phủ sóng di động, khiến cánh tài xế e ngại. “Đã có lần chúng tôi gặp xe bị bể lốc máy, hư hỏng do va phải đá trên núi đổ xuống cao tốc vì mưa lớn. Khi đó, lại gặp đoạn không có sóng di động, dù muốn gọi cứu hộ cũng khó, tài xế đành vẫy nhờ xe khác hỗ trợ, rất nguy hiểm. Miễn phí đường bộ cũng hấp dẫn, nhưng ban đêm và những hôm thời tiết xấu chúng tôi không dám đi”, anh Hải nói.
Đưa vào hoạt động từ cuối năm 2022, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3km, nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế. Cao tốc La Sơn – Túy Loan, dài hơn 77km, nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng (khai thác từ tháng 4/2022), trong đó có hơn 11km đi qua vườn quốc gia Bạch Mã. Sau khi đưa vào sử dụng, các nhà mạng cũng vận hành cơ sở hạ tầng viễn thông đi theo. Đến nay, trừ Viettel đã phủ sóng cơ bản, nhiều đoạn Mobi và Vina không có sóng điện thoại hoặc rất chập chờn, gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn, liên lạc của người dùng.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn, tỉnh đã có những động thái quyết liệt để giải quyết bài toán “lõm sóng” di động trên 2 tuyến cao tốc. Trong đó, xúc tiến với nhà mạng xây dựng trạm BTS trên tuyến, ưu tiên lắp đặt trạm tại đoạn cao tốc đi qua vườn quốc gia Bạch Mã, nơi không có sóng điện thoại.
Đến nay, các doanh nghiệp đã triển khai đầu tư, đưa vào hoạt động các trạm BTS qua tuyến La Sơn – Túy Loan, như Viettel đã kích hoạt 100% trạm BTS phủ sóng di động, VinaPhone khoảng hơn 90% và MobiFone khoảng 75%. “Riêng tuyến Cam Lộ - La Sơn hiện vẫn còn nhiểu điểm “trắng” sóng viễn thông, vì vậy, các doanh nghiệp đang khẩn trương triển khai các trạm phát sóng với mong muốn đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn sớm nhất”, ông Sơn nói.
|
"Trắng" sóng di động khi qua địa phận vườn quốc gia Bạch Mã |
Nhà mạng nỗ lực
Chia sẻ về lộ trình phủ sóng cao tốc, Giám đốc MobiFone Thừa Thiên Huế Phan Văn Hoài cho biết, đơn vị sẽ xây dựng 6 trạm BTS mới dọc tuyến Cam Lộ - Túy Loan để xóa dần các khu vực “lõm sóng”. “Cuối tháng này, MobiFone sẽ lên 2 trạm ở đoạn đầu cao tốc Túy Loan (địa phận Đà Nẵng) và La Sơn (địa phận Huế). 4 trạm còn lại đơn vị đang xin giấy phép làm cơ sở hạ tầng, nếu nhanh, khoảng tháng 6/2024 sẽ hoàn thành”, ông Hoài cho hay.
Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế Nguyễn Nhật Quang thông tin, ngoài dùng chung với nhà mạng khác, trên 2 tuyến cao tốc, VinaPhone sẽ có 6 trạm phát sóng di động. Doanh nghiệp đang triển khai các trạm, dự kiến, tháng 5 tới sóng VinaPhone sẽ cơ bản phủ. Hiện tại, nhiều điểm vẫn yếu và “trắng” sóng ở những đoạn không có dân cư.
Với nhà mạng Viettel, trên toàn tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan (đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế), doanh nghiệp này có 6 trạm phát sóng di động, đạt tỷ lệ phủ 97%. “Cuối tháng 2 này, Viettel đưa vào hoạt động thêm 1 trạm trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ, khi đó, sóng 4G sẽ phủ 100% ở 2 cao tốc”, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế Nguyễn Huy Quang bày tỏ.
Theo các nhà mạng, khó khăn nhất khi triển khai các trạm phát sóng mới trên tuyến đường này là những thủ tục xin cấp đất để đặt trạm. Bên cạnh đó, tại nhiều nơi hiện vẫn chưa có điện lưới, phải sử dụng ắc quy và pin mặt trời để vận hành các trạm BTS, dù giải pháp này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao. “Nhưng vất vả nhất là vào mùa mưa. Đơn vị phải đưa máy phát điện đến các trạm và cử nhân viên trực vận hành phát sóng, giữ sóng trên tuyến cao tốc để khách hàng, người dân khi lưu thông qua khu vực này sử dụng một cách thuận lợi nhất”, ông Nguyễn Huy Quang nói.
Trước đó, Sở TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp khi lắp đặt trạm BTS mới, phải đảm bảo cho các nhà mạng khác dùng chung cơ sở hạ tầng, bởi việc trồng mới các trạm BTS trên đoạn đường này rất phức tạp. Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, việc chia sẻ hạ tầng dùng chung để đảm bảo dù số trạm ít nhưng mật độ phủ sóng cao. Mục tiêu cuối cùng là nhằm phục vụ tốt nhất cho người sử dụng.
Mới đây, sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên cao tốc La Sơn – Cam Lộ thuộc địa phận Thừa Thiên Huế xảy ra ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có chỉ đạo tại cuộc họp triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục hậu quả vụ tai nạn, trong đó yêu cầu Cục Đường cao tốc rà soát lại những vấn đề hạ tầng kỹ thuật liên quan, đồng thời đề nghị các đơn vị viễn thông phủ sóng di động dọc tuyến.