|
Các đơn vị liên quan tập huấn để chuẩn bị vận hành xử lý rác thải tại Nhà máy điện rác Phú Sơn (TX Hương Thủy) |
Năng lực thu gom, xử lý còn hạn chế
Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh phần lớn do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) hợp đồng đảm trách. Bên cạnh đó, một số địa phương lại thành lập tổ chức, doanh nghiệp phụ trách thu gom, vận chuyển, xử lý theo nhiều mô hình; trong đó có nơi chỉ thành lập tổ đội hoặc HTX thu gom vận chuyển đến bãi tập kết, sau đó hợp đồng với HEPCO đưa đến các nhà máy xử lý rác.
Mô hình trên được xem là bước tiến trong việc xã hội hóa góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý CTRSH, cũng như tác động tích cực đến công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, huyện Quảng Điền có Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Nhật Đăng Phát; huyện Nam Đông có Công ty TNHH Môi trường Nam Đông; huyện Phú Vang có Công ty TNHH Hằng Trung; huyện A Lưới có Ban Công trình công cộng và Dịch vụ công ích A Lưới; huyện Phong Điền có HTX Môi trường Phong Điền và HTX Môi trường và Đô thị Phong Hiền; Phú Lộc có HTX Môi trường, điện, nước Lăng Cô.
|
Thu gom, vận chuyển RTRSH ở huyện Nam Đông |
Dù các huyện, thị đã hình thành các đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, nhưng trước nhu cầu phát triển xã hội đã gia tăng áp lực cho các đơn vị, bởi lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày nhiều. Trong khi đó, ngoài HEPCO, thì các đơn vị, dịch vụ công ích trên còn hạn chế về phương tiện thiết bị, nhân lực nên chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom, vận chuyển rác thải thực tế ở địa phương.
Đơn cử như huyện Phú Vang, đến nay đã có 100% xã, thị trấn đều đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải nhưng mới đạt khoảng 85%. Hiện khó khăn lớn nhất ở huyện này là khâu vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở các địa bàn xa, cách khu xử lý chất thải rắn của tỉnh. Tạm thời giải quyết khó khăn này, huyện Phú Vang triển khai một số mô hình xử lý tại chỗ, như: chôn, đốt để hạn chế lượng rác vận chuyển và tồn đọng…
Không chỉ huyện Phú Vang đang lúng túng, khó khăn trong xử lý rác thải mà hầu như ở các vùng nông thôn ở huyện Phú Lộc, Quảng Điền, TX. Hương Trà..., nhất là khu vực đầm phá, vùng gò đồi vẫn còn tình trạng rác tồn lưu, gây nhếch nhác, ô nhiễm trong khu dân cư, nguồn nước.
Đẩy nhanh thi công các cơ sở xử lý mới
Qua rà soát thực tế về quản lý CTRSH trên địa bàn, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, việc đầu tư các cơ sở xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đang cấp bách do lượng CTRSH ngày càng tăng cao. Hiện các cơ sở xử lý CTRSH hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các bãi chôn lấp (BCL) có công suất hoạt động đã vượt so với hiện tại và tuổi thọ của nhiều BCL như: Phong Thu (Phong Điền), Quảng Lợi (Quảng Điền), Thủy Phương (TX. Hương Thủy) không còn nhiều.
Đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, không chỉ còn thiếu về phương tiện thu gom, vận chuyển, ngay cả quy trình vận hành cho đến hạ tầng kỹ thuật hầu hết các BCL CTRSH đều chưa đảm bảo. Hạ tầng phục vụ xử lý nước rỉ rác hiện xuống cấp, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, hiện nay đơn vị đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND 07/3/2023 quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Trước mắt, để xử lý lượng CTRSH phát sinh, gia tăng hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp với Chương trình Thành phố sạch Đại dương xanh (CCBO)/USAID tại Việt Nam, Tổ chức WWF để triển khai các hoạt động hỗ trợ trong giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng; tuyên truyền hoạt động về phân loại rác tại nguồn ở địa phương; đồng thời đã tham mưu tỉnh kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý CTRSH với công nghệ tiên tiến tại Hương Bình (TX. Hương Trà); hỗ trợ, tạo mọi đều kiện thuận đưa Nhà máy điện rác Phú Sơn (TX Hương Thuỷ) công suất 600 tấn/ngày đêm đã hoàn thiện để vận hành vào đầu quý IV/2023. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị liên quan sớm đưa lò đốt CTRSH công suất 1 tấn/giờ tại Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy vào vận hành nhằm xử lý CTRSH ở địa bàn huyện Phú Lộc và các địa phương lân cận. Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy nhanh các thủ tục để xây dựng khu xử lý CTRSH ở Đông Sơn (A Lưới) sớm vào hoạt động để đóng cửa BCL Hồng Thượng; hỗ trợ huyện Phong Điền nghiên cứu kêu gọi đầu tư khu xử lý CTRSH Phong Thu, công suất 60 tấn/ngày để thu gom xử lý rác thải tại khu vực phía bắc tỉnh; các BCL ở Hương Phú (Nam Đông); Quảng Lợi (Quảng Điền) tiếp tục được duy trì để xử rác thải ở địa phương…
|
Hiện nay bình quân mỗi năm lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 228 nghìn tấn; riêng trong năm 2022 lượng rác đã phát sinh hơn 228 nghìn tấn; trong đó ở TP. Huế khoảng hơn 124 nghìn tấn; TX. Hương Thủy hơn 18 nghìn tấn; Phú Vang hơn 18 nghìn tấn; Phú Lộc hơn 17 nghìn tấn… Những con số này cho thấy đã tăng gần gấp đôi so với thời gian trước năm 2020 và có nguy cơ quá tải, nếu không chủ động từ khâu thu gom đến đầu tư hạ tầng xử lý đảm bảo và phối hợp tăng cường triển khai đồng bộ việc phân loại CTRSH trên địa bàn.
|