|
Siêu máy bay Boeing 787 hạ cánh xuống Sân bay Phú Bài giữa tháng 7 năm nay |
Đón tàu lớn, máy bay thân rộng
Sự kiện tàu Deltic Dolphin của hãng tàu Voyager Logistics SDN BHD (Malaysia) xếp dỡ và vận chuyển 120 SOC container hàng hóa tuyến Sibu (Malaysia) - Chân Mây (Việt Nam) - Pontianak (Indonesia) cập cảng Chân Mây cuối năm 2022 đã mở ra cơ hội cho việc đón các tàu hàng cỡ lớn đến Thừa Thiên Huế. Từ đây, các tàu hàng tải trọng lớn có thể cập cảng Chân Mây trực tiếp mà không cần phải qua bến cảng trung gian.
Tương tự, đầu năm nay, Chân Mây cũng đón tàu khách du lịch cỡ lớn hạng sang mang theo 2.200 du khách và gần 900 thủy thủ đoàn cập cảng. Đây cũng là chuyến tàu đầu tiên cập cảng Chân Mây sau mấy năm gián đoạn do dịch bệnh. Tiếp đó, tàu biển quốc tế Europa cũng cập cảng Chân Mây mang theo hơn 300 khách quốc tịch Đức đến Việt Nam theo hải trình Huế - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh trong 5 ngày.
Cảng Chân Mây dự kiến, trong năm 2023 sẽ đón khoảng 25 lượt tàu du lịch biển quốc tế, với khoảng 40.680 lượt khách và khoảng 17.500 thủy thủ đoàn đến Huế lưu trú và tham quan các danh lam thắng cảnh.
Giữa tháng 7 năm nay, Sân bay Quốc tế Phú Bài đón “siêu tàu bay” thân rộng Boeing 787 của hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh. Ngoài khả năng chuyên chở 300 hành khách/chuyến, Boeing 787 còn được ví như “khách sạn bay” với khoang hành khách tiện nghi, sang trọng, là điều kiện thuận lợi để Vietnam Airlines đưa khách quốc tế đến Huế.
Hiện hãng hàng không này đang xúc tiến để ngoài tăng tần suất các chuyến nội địa bay sử dụng siêu tàu bay thân rộng đến Huế, còn mở rộng và tăng các chuyến bay quốc tế, trong đó chú trọng các thị trường khách hạng sang để đưa khách du lịch đến Huế nhằm góp phần cùng với địa phương vừa đa dạng dòng khách và nâng tầm chất lượng du lịch, hướng đến du lịch đẳng cấp, chi tiêu cao.
Với đường bộ, việc đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác cao tốc La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Cam Lộ đã góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1A và rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vùng miền. Khi giao thông thông suốt thì giao thương thuận lợi hơn. Đời sống người dân nhờ thế cũng được cải thiện, nâng lên.
|
Nhà ga T2 đưa vào khai thác, góp phần thu hút du khách, kết nối vùng miền |
“Cây đã cho quả ngọt”
Từ thực tế đón tàu bay, tàu biển cỡ lớn cập cảng Chân Mây, Sân bay Quốc tế Phú Bài cho thấy việc đầu tư bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, du lịch…
Để đón được “siêu tàu bay thân rộng” Boeing 787, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp và khánh thành đưa vào hoạt động Nhà ga T2, với khả năng đón khoảng 5 triệu lượt khách/năm và những siêu máy bay quốc tế.
Dự án mở rộng Nhà ga T2 nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không quốc gia, giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Công trình giúp nâng cao năng lực khai thác cảng hàng không Phú Bài đạt cấp 4E, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương, góp phần thu hút du khách, các nhà đầu tư và tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như khu vực.
Tương tự, sau khi được đầu tư mở rộng, nâng cấp bến cảng như đầu tư hoàn thành đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 (450m), đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 thêm 300m… đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong việc đón các tàu tải trọng lớn cập cảng.
Ngoài ra, việc cấp phép đầu tư dự án bến cảng số 4, 5 thuộc cảng Chân Mây với khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp và tàu container đến 4.000 TEU đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hàng container và mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho cảng Chân Mây thời gian tới.
Cùng với đó, hệ thống cảng Thuận An, Vinh Hiền, Điền Lộc thuộc khu bến Phong Điền đã và đang đầu tư cũng hứa hẹn sẽ giúp việc giao thương, vận chuyển tốt hơn, góp phần kết nối kinh tế, đô thị giữa các vùng miền.
Có thể thấy, khi sân bay, bến cảng được đầu tư sẽ kéo theo nhiều hạ tầng, thiết chế khác cũng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Điển hình như Sân bay Quốc tế Phú Bài sau khi được đầu tư mở rộng, nâng cấp, tuyến đường kết nối từ TP. Huế về Phú Bài từ trước đó rất lâu cũng đã được tính toán để đưa vào đầu tư. Theo đó, dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, với chiều dài gần 10km, tổng mức đầu tư hơn 1.140 tỷ đồng đã được phê duyệt. Dự án này hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm TP. Huế với sân bay Phú Bài cũng như giữa đô thị Huế với Hương Thủy. Bên cạnh đó, khi tuyến đường đưa vào khai thác sẽ hình thành nên những chuỗi dịch vụ đi kèm và kéo dài không gian đô thị, tạo thành chuỗi đô thị liên kết Huế - Hương Thủy.
Để cảng biển Điền Lộc đi vào vận hành khai thác hiệu quả, tuyến đường kết nối trung tâm thị trấn Phong Điền cũng đã được đầu tư, khởi công từ năm 2018, với tổng vốn hơn 568 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Quy mô dự án đường dài hơn 16,5km, có điểm đầu nối với Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Phong Điền và điểm cuối đến biển Điền Lộc. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ còn góp phần thay đổi diện mạo khu vực Điền Lộc và vùng Ngũ Điền.
Rõ ràng, cảng biển Chân Mây, Sân bay Quốc tế Phú Bài có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối vùng, quốc gia, khu vực. Do đó, việc đầu tư cho các cảng và sân bay này là những bước đi mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, kết nối đô thị, rút ngắn khoảng cách vùng miền. Thấy rõ tầm quan trọng đó, tỉnh, Chính phủ đã có những chính sách đầu tư thỏa đáng cho Huế. Vấn đề còn lại là làm thế nào để khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh cũng như cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng này để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đưa Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong khu vực, có nguồn thu ngân sách tốt, bền vững…
Đó có lẽ cũng là vấn đề, câu hỏi mà người dân mong chờ câu trả lời nhanh nhất, hiệu quả nhất từ chính quyền và các ban ngành, địa phương liên quan.