Doanh nghiệp là nơi tạo công ăn việc làm cho xã hội. Ảnh: LT
Doanh nhân chỉ xuất hiện cùng với cơ chế thị trường và đà tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế càng phát triển thì đội ngũ doanh nhân càng đông đảo.
Ở Thừa Thiên Huế có chừng 6.000 doanh nghiệp thì ứng với nó cũng có chừng ấy doanh nhân. Tính trên cả nước thì còn nhiều hơn gấp nhiều lần.
Có điều, doanh nhân ở nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, chiếm đến hơn 90% là ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, cho nên phần lớn doanh nhân cũng “nhỏ theo”. Nhỏ ở đây theo cái nghĩa là qui mô doanh nghiệp chứ không có ẩn ý nói về cách nghĩ, cách làm, những khát vọng cháy bỏng để vươn lên khẳng định mình và đóng góp cho xã hội. Dường như khát vọng đưa doanh nghiệp phát triển thì dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều như nhau!
Có những giai đoạn lịch sử chúng ta có vẻ ít quý trọng doanh nhân, nhưng nay, nhìn chung, ý thức xã hội rất đề cao vai trò của doanh chủ. Thì đất nước dành hẳn một ngày để tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, đó là ngày 13/10, ngày doanh nhân Việt Nam. Ở Thừa Thiên Huế hình như năm nào cũng tổ chức gặp mặt doanh nhân tiêu biểu nhân ngày này. Như năm nay gặp mặt vào ngày 12/10. Gặp để làm gì? Để ghi nhận những đóng góp của họ; gặp để tôn vinh những gương mặt tiêu biểu; gặp để cảm ơn họ và cũng gặp để “đặt bài” cho những công việc và sự phát triển trong thời gian tới.
Chúng ta đề cao vai trò của doanh nhân thì cũng phải rồi. Vì doanh nhân, doanh nghiệp chính là rường cột của nền kinh tế, nơi tổ chức làm ra của cải vật chất, kinh doanh buôn bán, thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển. Chính sự phát triển của họ đã làm cho nền kinh tế ngày càng năng động.
Vì doanh nghiệp là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Và vì, nguồn thu chính cho ngân sách cũng chính là từ hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ doanh nhân nào cũng nhận được sự quý trọng như nhau. Doanh nghiệp cũng có muôn cách làm ăn, trong đó không loại trừ cách làm ăn bất chính, léo lận. Chúng ta không lạ gì trong năm nay, quá nhiều chuyện ì xèo về các doanh nghiệp từ trước đến nay được mệnh danh là doanh nghiệp lớn, ứng với những người quản lý hàng đầu doanh nghiệp đó gọi là doanh nhân lớn. Chuyện thắng thua đối với hoạt động của doanh nghiệp là chuyện bình thường. Vì bản chất của hoạt động kinh tế là chứa đựng rủi ro. Có một doanh nghiệp nào đó làm ăn thua lỗ, thậm chí là phá sản vẫn nhận được sự chia sẻ của xã hội. Nhưng xã hội không trọng đối với những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn khuất tất.
Thời gian qua, có một dạng doanh nghiệp, suy cho cùng, hoạt động của họ gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Đó là doanh nghiệp “sân sau”. Doanh nghiệp “sân sau” ở đây được hiểu theo hai dạng: dạng thứ nhất là câu kết với những người có sức ảnh hưởng trong bộ máy chính trị để hứng những dự án đầu tư công, mà phần thiệt hại bao giờ cũng là ngân sách công. Đã diễn ra tình trạng “áp phe” thì đương nhiên môi trường kinh doanh đã ít nhiều vẩn đục. Sự minh bạch và công bằng bị ảnh hưởng. Dạng này tạm gọi là “sân sau” của những người, nhóm người có sức ảnh hưởng chính trị. Dạng thứ hai là “sân sau” của doanh nghiệp. Ví dụ một doanh nghiệp muốn hoạt động thì cần nhiều yếu tố đầu vào, tức là cần nhiều nhà cung cấp. Bằng những cách nào đó, doanh nghiệp chỉ chọn những nhà cung cấp thân tín của mình. Trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, dạng này không hiếm. Các doanh nghiệp tư nhân cũng không loại trừ. Dù có “sân sau” kiểu nào, cho ai thì cũng đều tạo ra môi trường cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh mất bình đẳng.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, mạo muội nêu vài dạng mặt trái trong hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, cũng là để nhắc nhau: doanh nhân có một vai trò hết sức to lớn trong nền kinh tế. Hoạt động của doanh nghiệp phát triển, doanh nhân nhận được sự tôn vinh chính là những doanh nhân có sự chân chính trong hoạt động. Xã hội phải tạo ra một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải ý thức góp phần để sân chơi công bằng đó bền vững.
Nguyên Lê